Theo chia sẻ của các bác sĩ, số lượng trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tay chân miệng, cúm A… vào viện tăng, trong đó 90% các bé đã từng mắc COVID-19. Có thể thấy, sau đại dịch Covid, trẻ có sức đề kháng chưa được hồi phục hoàn toàn và càng dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công gây bệnh hơn
Gia tăng trẻ nhập viện vì bệnh đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa
Những ngày gần đây, tại Khoa Khám bệnh của BV Nhi Trung ương tiếp nhận trung bình khoảng 4.000-5.000 bệnh nhi/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Ngày 21/6, có mặt tại Khoa Khám bệnh, BV Nhi Trung ương từ 6h30 sáng để đăng kí khám bệnh cho con gái gần 5 tuổi có biểu hiện sốt cao 38,5 – 39 độ ba ngày không hạ nhiệt độ, ho sâu, thở nhanh và bệnh tiến triển nhanh. Vào khám bác sĩ chỉ định chụp Xquang ngực thẳng; Định lượng CRP; Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi. Kết quả, bác sĩ chẩn đoán con bị viêm phế quản phổi, bệnh kèm theo là viêm họng cấp.
Chị Bùi Hiền (ở Nam Định) vẻ mặt lo lắng, mệt mỏi cho hay: Tôi đưa bé Long, 20 tháng tuổi đến bệnh viện khám vì viêm tai giữa. Khi ở nhà, Long bị sốt cao, chán ăn nên gia đình cho bé đi kiểm tra phổi, soi tai. Kết quả, bác sĩ chẩn đoán bị viêm tai giữa.
Cũng đưa con trai 2 tháng tuổi đi khám rối loạn tiêu hóa, chị Hoài Linh (Thanh Oai, Hà Nội) vừa quạt cho con vừa nói: “Con em đi ngoài 3 ngày nay. Con liên tục quấy khóc, sốt. Hiện em đang đợi kết quả xét nghiệm của cháu”.
Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoàn – Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, BV Nhi Trung ương, sau thời điểm dịch Covid-19, lượng bệnh nhân đến khám tăng lên nhiều so với trước đó. Như mọi năm, cứ vào mùa nắng nóng, nhiều bệnh nhi vào viện với các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa... Số lượng bệnh nhi đến khám giai đoạn này cũng tăng lên hơn so với những tháng trước. Đây là một trong những thời điểm cao điểm nhất trong năm. Mỗi ngày, trung bình mỗi bác sĩ khám khoảng 50 – 60 bệnh nhi, chủ yếu khám về đường hô hấp. Mùa nắng nóng, nhiều bệnh nhi vào viện với biểu hiện viêm long đường hô hấp (viêm tiểu phế quản chủ yếu do virus, nhất là virus RSV) như: Hắt hơi, sổ mũi, ho, khò khè, sốt….
Theo TS Hoàn, về bệnh tiêu chảy cấp, nếu như trong giai đoạn đầu (1-2 tuần đầu tháng 5) lượng bệnh nhân gia tăng nhưng đến khoảng 1-2 tuần trở lại đây thì lượng bệnh nhân lại giảm. Hiện, bắt đầu vào mùa hè, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, các loài côn trùng như: Ruồi, muỗi, gián, kiến... sinh sôi làm lây lan mầm bệnh. Do đó, mùa hè cũng là mùa trẻ dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa.
“Tại BV Nhi Trung ương, những bệnh nhân được cha mẹ đưa đến khám sớm, với biểu hiện của trẻ tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa như: Nôn, tiêu chảy… Hầu như trẻ đến khám không bị mất nước nặng. Năm nay, một số trường hợp (tiêu chảy) xét nghiệm khoảng 20-30 mẫu cho thấy có norovirus. Nếu như rotavirus gây tiêu chảy, mất nước nặng, điều trị lai rai khoảng 5-7 ngày thì con virus độc norovirus gây nôn nhiều nhưng đi ngoài rất ít, chỉ có từ 1-2 lần/ngày, điều trị rất nhanh, chỉ cần bù đủ nước là hôm sau bệnh nhân bình phục”, TS Hoàn cho hay.
Tương tự, tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội) trong hơn một tháng trở lại đây, số trẻ đến khám, nhập viện tăng đột biến, tăng khoảng 150-200% so với 2 tháng trước đó. Phần lớn trẻ nhập viện do mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi…
Các chuyên gia cho biết, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi đang trong độ tuổi “khoảng trống miễn dịch”, đề kháng còn non yếu, chưa đủ sức bảo vệ cơ thể nên rất dễ nhiễm bệnh.
Hơn nữa, thời tiết nắng nóng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời khiến trẻ không kịp thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ bất ngờ, dễ ốm bệnh hơn.
Ngoài ra, việc sử dụng điều hòa thường xuyên ở nhiệt độ thấp khiến niêm mạc của trẻ bị khô, thiếu lớp nhày bảo vệ, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý viêm tai mũi họng.
Cách phòng ngừa bệnh đường hô hấp hiệu quả cho trẻ
Thời tiết nắng nóng thất thường, bệnh đường hô hấp có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, cha mẹ cần có biện pháp phòng ngừa cho trẻ ngay từ hôm nay để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Trước hết, cha mẹ cần chú ý đến việc sử dụng điều hòa. Cha mẹ không nên để điều hòa lạnh quá, tốt nhất nên duy trì ở nhiệt độ 26-28. Đồng thời, sử dụng thêm quạt gió để không khí lưu thông tốt hơn. Nên vệ sinh điều hòa thường xuyên để không tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển.
Bên cạnh đó, nên cho trẻ hoạt động hoặc vui chơi ngoài trời ở nơi râm mát, có bóng cây để hạn chế nguy cơ cảm nắng. Không nên cho trẻ tắm ngay hoặc uống nước lạnh sau khi hoạt động xong bởi cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể dẫn đến cảm lạnh, các bệnh viêm đường hô hấp khác. Thêm nữa, cha mẹ cũng cần giữ vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân cho trẻ thường xuyên.
Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu ho, sốt, chảy mũi…, cha mẹ cần có biện pháp giảm nhẹ triệu chứng như cho trẻ uống hạ sốt theo cân nặng, chườm ấm, vệ sinh mũi họng, hút mũi… Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường kể trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.