Nam giới không có tinh trùng vẫn có khả năng có con

Đặng Thu Hằng
Các bác sĩ tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện thành công ca vi phẫu thuật tìm tinh trùng trong tinh hoàn của nam bệnh nhân 31 tuổi bị teo tinh hoàn.

Theo đó, nam bệnh nhân là Đ.A.D (ngụ Phú Thọ) chưa có con sau thời gian dài kết hôn. Tại trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, xét nghiệm tinh dịch đồ của bệnh nhân này cho kết quả Azoospermia (không tìm thấy tinh trùng). Bệnh nhân D. cũng bị tinh hoàn teo nhỏ và nội tiết tố suy giảm. Nguyên nhân được các bác sĩ xác định do anh D. từng mắc bệnh quai bị khi đang học lớp 12.

“Nhận thấy đây là một trường hợp khá khó khăn, song bệnh nhân còn quá trẻ để nghĩ đến phương án xin tinh trùng, chúng tôi đã tư vấn để người bệnh thực hiện IVF - Micro Tese (thụ tinh ống nghiệm - vi phẫu thuật mổ tinh hoàn)", bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Thị Thu Nga (bác sĩ điều trị tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và nam học) cho biết.

phoi-4461-1670869775.jpeg
Các phôi từ trứng và tinh trùng của vợ chồng anh Đ.A.D có chất lượng khá tốt. (Ảnh: Thanh Niên)

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân D. kéo dài gần 2 giờ thành công tốt đẹp. Các bác sĩ đã tìm thấy tinh trùng của bệnh nhân D. Hiện, vợ chồng anh D. đã có được 7 phôi với chất lượng khá tốt, nhờ IVF từ tinh trùng của anh D. và trứng của người vợ.

Về ca bệnh này, bác sĩ Hoàng Thị Thu Nga chia sẻ thêm: “Kết quả sau cuộc vi phẫu thuật tương đối khả quan. Chúng tôi đang cân nhắc thời điểm phù hợp khi sức khoẻ của người vợ ổn định hẳn sau khi chọc trứng sẽ thực hiện bước cuối cùng là chuyển phôi vào cơ thể mẹ”.

Với những bệnh nhân có tinh hoàn tổn thương quá nặng, tinh hoàn bị teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém như trường hợp của anh D. thì Micro Tese được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng, phục vụ cho việc thực hiện IVF.

Micro Tese là kỹ thuật hiện đại phân mô tinh hoàn để trích tinh trùng cho bệnh nhân vô tinh. Kỹ thuật vi phẫu thuật tinh hoàn đã được thực hiện thành công ở nước ta từ năm 2010 và đến nay vẫn được đánh giá cao với những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp lấy tinh trùng trước đây như: tỷ lệ lấy được tinh trùng cao, ít làm tổn thương tinh hoàn và cho kết quả thụ tinh ống nghiệm tương đương với tinh trùng lấy trong tinh dịch.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới. Số liệu của Bộ Y tế cho hay, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn; trong đó tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trẻ hiện nay là 7,7%. Tỷ lệ vô sinh do nữ giới chiếm 40%, nam giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Đáng chú ý, tỷ lệ vô sinh ở nam giới hầu hết đều liên quan đến tinh trùng.

Trong trường hợp nam giới có số lượng tinh trùng ít, yếu hoặc dị dạng, bác sĩ sẽ dựa vào yếu tố mật độ, độ di động, tỷ lệ hình thái bình thường để tư vấn hướng điều trị cụ thể, như lọc rửa và bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), lựa chọn tinh trùng khỏe để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI)...

Tình trạng tinh trùng ít và dị dạng có thể được cải thiện bằng nhiều phương pháp: chỉ định dùng thuốc kháng sinh để điều trị nếu nguyên nhân đến từ viêm nhiễm ở đường tiết niệu hoặc hệ thống cơ quan sinh dục ngoài. Sử dụng liệu pháp hormone và một số loại thuốc nội tiết tố nếu nam giới có bị rối loạn nội tiết hoặc stress. Nếu bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh... thì có thể cân nhắc phẫu thuật.

Ngoài ra, nam giới có thể cải thiện tình trạng tinh trùng ít bằng cách thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều đồ hải sản đặc biệt là hàu, nghêu sò, tôm, cua..., bổ sung nhiều rau và trái cây tươi có màu đậm: cà rốt, như cam, chanh, xoài...).

T.H.