10 cặp vợ chống hiếm muộn, khó khăn được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%

Lã Thị Thúy hằng
Chạy chữa nhiều năm đều thất bại và hết tiền, 10 cặp vợ chồng gần như tuyệt vọng vì không biết tới khi nào họ có đủ tiền để tới Hà Nội điều trị hiếm muộn. Họ đều là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, để có được số tiền vài trăm triệu đi chữa vô sinh gần như là điều không tưởng.

Thông tin từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, sau gần 1 tháng triển khai trong chương trình Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2022 – “Trao yêu thương – nhận hạnh phúc”, có 10 cặp vợ chống hiếm muộn, khó khăn được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%. 60 ca khác cũng được miễn phí thực hiện các kỹ thuật như sàng lọc phôi mang gene bệnh, vi phẫu tìm tinh trùng, nội soi thăm dò buồng tử cung và nuôi cấy, theo dõi phôi bằng hệ thống tự động.

a2-1656493756.jpg

10 cặp vợ chống hiếm muộn, khó khăn được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí

Được biết, đây là năm thứ 4 liên tiếp bệnh viện hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) hoàn toàn miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn. Trong các ca được TTTON miễn phí từ năm 2019 đến nay, 85% các gia đình đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh, các gia đình còn lại đang chờ chuyển phôi cũng như nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Bệnh viện.

Có mặt tại buổi lễ, các gia đình nhận hỗ trợ TTTON miễn phí đã chia sẻ hoàn cảnh của mình. Mỗi gia đình câu chuyện, dù khác nhau nhưng có chung một nỗi niềm, đó là khát khao mong con nhưng vẫn chưa thể vẹn tròn mà kinh tế là rào cản lớn.

Gia đình chị Hoàng Thị Lai, anh Trần Đình Lý (Nam Đàn, Nghệ An). Kết hôn từ năm 2013, đến nay đã 9 năm vẫn chưa sinh con, thu nhập chủ yếu nhờ làm nông. Mong con và nỗ lực để có con, hai vợ chồng đã từng 4 lần thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) nhưng đều thất bại. Vì không có đủ kinh phí để theo đuổi hành trình chữa trị tốn kém, anh chị đành gác giấc mơ có được đứa con bế bồng.

Hay trường hợp vợ chồng người dân tộc Êđê – Mường: Chị H Dla Buôn Ya - anh Phùng Văn Ba (huyện Tân Sơn, Phú Thọ), kết hôn từ năm 2016, mãi chưa sinh con, anh chị cũng thử đi khám, phát hiện anh hiếm muộn do vô tinh.

Tuy nhiên, dù biết nguyên nhân, anh chị cũng không thể điều trị vì quá khó khăn, kinh tế chính cũng là làm nông, lại phải chăm sóc cụ ông 98 tuổi ở nhà. Từ đó, hành trình tìm con đành dừng lại, thậm chí có lúc hai vợ chồng nghĩ sẽ buông xuôi….

Hoàn cảnh của chị Trần Thị Thắm - anh Vũ Văn Trường (thị trấn Yến Lạc, Na Rì, Bắc Kạn) kết hôn từ năm 2012, chị bán vé số, anh cắt tóc, gom góp dành dụm mỗi ngày để lo cho gia đình và chăm sóc bố bị bệnh thận.

Suốt 10 năm qua, nỗi mong con luôn canh cánh trong lòng anh chị. Thế nhưng, mọi khát khao, mọi nỗ lực muốn có con dường như bị ghì lại vì gánh nặng kinh tế.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Miền - anh Vũ Đức Quỳnh (Phúc Thọ, Hà Nội) kết hôn từ năm 2014, hai vợ chồng thu nhập khá bấp bênh, toàn bộ số tiền dành dụm được cũng để chạy chữa cho mẹ anh Quỳnh bị hỏng đáy mắt 8 năm nay. Anh chị biết rõ mình hiếm muộn nhưng vẫn chưa dám chạy chữa vì biết rằng, không thể có số tiền lớn để theo đuổi hành trình nhiều gian nan này.

BS.CKII. Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện cho biết: “Tính đến thời điểm này, đã có hơn 40 gia đình được Bệnh viện hỗ trợ TTTON miễn phí từ chương trình. Các gia đình, hoặc là đã từng khám hiếm muộn và nỗ lực chạy chữa nhưng không có kết quả, lại không thể xoay xở thêm kinh phí để tiếp tục, hoặc phải gác hẳn việc điều trị ngay từ đầu vì áp lực kinh tế đè nặng; dù trong hoàn cảnh nào, khát khao “tìm con” trong họ chưa bao giờ tắt.

Đó là lý do qua từng năm, bệnh viện luôn muốn đồng hành để san sẻ, trước hết là về mặt chi phí cho các gia đình hiếm muộn khó khăn, tiếp đó là sự tận lực của đội ngũ y bác sĩ để giúp các gia đình sớm chạm vào ước mơ thiêng liêng là làm cha, làm mẹ.

Hơn 85% các gia đình được hỗ trợ có tin vui và sinh con khỏe mạnh là động lực rất lớn để bệnh viện duy trì chương trình và càng nỗ lực hơn nữa để sao cho những gia đình được tiếp sức đều trọn vẹn hạnh phúc".

PV