Mỹ đưa ra định nghĩa mới về thực phẩm lành mạnh

Lã Thị Thúy Hằng
Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm của Mỹ đã đề xuất cập nhật cách dán nhãn thực phẩm “lành mạnh” nhằm cải thiện thói quen ăn uống của người dân. 

Chú thích ảnh

Ảnh minh họa: Getty Images

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 28/9 đã đề xuất một bộ tiêu chuẩn mới đối với các sản phẩm thực phẩm dán nhãn “lành mạnh”. Các quy tắc mới sẽ giúp sửa đổi định nghĩa thực phẩm lành mạnh, vốn chưa được cập nhật kể từ năm 1994, phù hợp với tiêu chuẩn khoa học dinh dưỡng hiện đại.

Theo định nghĩa mới, để được dán nhãn “lành mạnh”, các sản phẩm phải đáp ứng hai tiêu chí. Trước tiên, chúng cần chứa một lượng thực phẩm nhất định từ ít nhất một trong các nhóm hoặc nhóm phụ được khuyến nghị bởi “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ 2020-2025”, chẳng hạn như trái cây, rau hoặc sữa.

Thứ hai, thực phẩm phải tuân thủ các hạn mức cụ thể của một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như chất béo bão hòa, natri và đường bổ sung.

FDA tin tưởng rằng các tiêu chuẩn mới sẽ không chỉ giúp mọi người xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hơn mà còn có thể cải thiện chất lượng của các sản phẩm thực phẩm. Theo FDA, trong nỗ lực đảm bảo tiêu chuẩn lành mạnh, các nhà sản xuất có thể đưa thêm trái cây, rau, sữa và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế chất béo bão hòa, natri và đường bổ sung trong sản phẩm của họ.

“Hành động của ngày hôm nay là một phần trong cam kết nhằm giảm các bệnh mãn tính liên quan đến chế độ ăn uống”, báo cáo của FDA nêu rõ.

Theo cơ quan này, các bệnh liên quan đến dinh dưỡng hiện là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên toàn nước Mỹ. Bằng cách cung cấp cho các nhà sản xuất những hướng dẫn rõ ràng và cho khách hàng các nhãn phân loại cụ thể trên bao bì, FDA hy vọng sẽ giúp người dân xây dựng mô hình ăn uống lành mạnh, và do đó để cải thiện sức khỏe cộng đồng nói chung.

Cơ quan giám sát đang đề xuất một cách tiếp cận toàn diện đối với một chế độ ăn uống lành mạnh. Theo các quy định mới, một số sản phẩm hiện không được dán nhãn “lành mạnh” cuối cùng có thể đạt được tiêu chuẩn trên bằng cách thay đổi để phù hợp với các khuyến nghị về chế độ ăn uống hiện tại. Ví dụ như các loại hạt, cá có hàm lượng chất béo cao hơn như cá hồi, cũng như một số loại dầu nhất định.

Cuộc tham vấn công khai về đề xuất trên sẽ kéo dài 90 ngày. Trong khi đó, FDA cũng đang tìm kiếm một biểu tượng mới, dễ nhận biết hơn để dán nhãn các sản phẩm lành mạnh.

Theo “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ 2020-2025”, hơn 80% cư dân nước này không ăn đủ rau, trái cây và sữa, trong khi hầu hết mọi người lại tiêu thụ quá nhiều đường, chất béo bão hòa và natri bổ sung. Đánh giá Dân số Thế giới năm nay đã xếp Mỹ ở vị trí thứ 12 trên toàn cầu về tỷ lệ béo phì trong dân số.

Trong thống kê mới nhất của Chính phủ Mỹ, gần 42% người trưởng thành và 18% trẻ em ở nước này bị béo phì và khoảng 10% hộ gia đình chịu tình cảnh mất an ninh lương thực. Nhà Trắng cho biết chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các ca bệnh tiểu đường type 2, béo phì, tăng huyết áp và một số bệnh ung thư, đồng thời cảnh báo đây là một vấn đề phức tạp, khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.