Mới đây, tại Hội nghị Xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Vĩnh Phúc năm 2020 với chủ đề “Vĩnh Phúc – Điểm đến ấn tượng, an toàn” tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Duy Đông cho biết, thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc đủ 3 vùng miền núi, trung du, đồng bằng; tạo cho Vĩnh Phúc một miền sinh thái rất phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan hấp dẫn.
Dãy Tam Đảo trấn giữ phía Đông Bắc tỉnh, nơi có Khu du lịch Tam Đảo – điểm nghỉ dưỡng với khí hậu và cảnh quan lý tưởng được ví như Đà Lạt của miền Bắc, Vườn Quốc gia Tam Đảo – điểm du lịch sinh thái tham quan, nghiên cứu hấp dẫn.
Dòng sông Lô ôm vòng về phía Tây của tỉnh, biếc xanh huyền thoại một thời chống Pháp oai hùng, nhiều dấu tích tụ thủy xen lẫn gò đồi: Đầm Vạc, hồ Làng Hà, hồ Đại Lải, đầm Dưng, Sáng Sơn, Thanh Lanh,… tạo nên cảnh trí non nước hữu tình.
“Thiên nhiên như thể đã tạo cho riêng Vĩnh Phúc một chỉnh thể “Núi bọc sông bao, sơn kỳ thủy tú””, ông Đông nói.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tổng số 1303 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 499 di tích được xếp hạng các cấp, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang); 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 431 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn nổi tiếng với các di sản văn hóa đặc sắc đã được cấp bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, lễ hội kéo Song Hương Canh, lễ hội Rước nước đền ngự dội; các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo: hát Trống quânđức bác, hát Soọng cô.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 làng nghề truyền thống với đa dạng các ngành nghề từ mây tre đan, gốm, chạm khắc đá, mộc… một số sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng như Mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch), gốm Hương Canh (Bình Xuyên), mật ong, ba kích (Tam Đảo), các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)…
Nằm trọn trong vùng chuyển tiếp địa - văn hóa miền núi, trung du Tây Bắc xuống đồng bằng Đông Nam châu thổ sông Hồng, Vĩnh Phúc được đánh giá là “vùng đất vàng” cho phát triển du lịch.
Phát huy những lợi thế sẵn có, hiện Vĩnh Phúc đầu tư mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE và du lịch thể thao Golf nhằm hướng tới du khách có mức thu nhập và chi tiêu cao. Trong những năm gần đây, mô hình này ở Vĩnh Phúc đã có bước đột phá, mang về nguồn thu lớn cho ngành du lịch Vĩnh Phúc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Đông cho biết thêm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 410 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 7.500 buồng đạt tiêu chuẩn về nhà nghỉ du lịch. Trong đó có 4 khách sạn 5 sao; 1 khách sạn 4 sao; 4 khách sạn 3 sao; 45 khách sạn 2 sao; 23 khách sạn 1 sao và 333 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn.
Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nhất là các khu du lịch trọng điểm như Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên… liên tục được đầu tư, nâng cấp. Mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm.
Tỉnh đã đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn đầu tư công, tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước...
Bà Đàm Thị Hằng - Giám đốc trung tâm xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc cho biết, du khách đến với Vĩnh Phúc sẽ được tận hưởng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, du lịch MICE, du lịch thể thao... độc đáo, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực trở thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực.