Cụ thể, Khoản 6, Điều 10 của dự luật quy định người điều khiển phương tiện phải chú ý không để phương tiện của mình làm ảnh hưởng cho những người tham gia giao thông khác như gây ra tiếng ồn, làm bụi, khói mà thực tế có thể tránh được.
Để tránh ùn tắc tại các nút giao có đèn giao thông, Khoản 1 điều 13 dự luật quy định phương tiện gặp đèn xanh vẫn phải dừng lại nếu hướng định đi tới đang bị ùn tắc, nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển màu.
Về khái niệm dừng xe, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ định nghĩa chung chung dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết. Khoản 1 Điều 24 của dự luật đã quy định rõ thời gian dừng xe là quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để đóng mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe.
Khoản 3, Điều 27 được chú ý nhiều nhất trong dự luật bởi quy định bắt buộc môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông (cả ngày lẫn đêm) phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Như vậy, các phương tiện nêu trên phải bật đèn cả ngày lẫn đêm khi di chuyển trên đường.
Một điểm cũng liên quan trực tiếp đến người lái môtô, xe máy là quy định xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về hệ thống xả khí thải bởi cơ quan đăng kiểm (Khoản 6, Điều 93). Trong luật hiện hành, chỉ có ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô phải đăng kiểm định kỳ. Dự luật nêu rõ việc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy sẽ do cơ quan đăng kiểm thực hiện.
Với người lái xe máy dưới 50 phân khối và xe đạp điện không vượt quá 4 kW, dự thảo yêu cầu có bằng lái xe hạng A0 để điều khiển các loại phương tiện này (Điểm a, Khoản 3, Điều 103). Theo luật hiện hành, người lái xe máy dưới 50 phân khối hoặc xe đạp điện không cần bằng lái mà chỉ cần đủ 16 tuổi.
Đối với hệ thống báo hiệu đường bộ, dự thảo Luật đưa các quy định về thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu đường bộ, quy định cụ thể hơn về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, nguyên tắc lắp đặt biển báo hiệu. Bên cạnh đó, các nguyên về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường cũng được luật hóa, quy định về khoảng cách đảm bảo an toàn giao thông theo quy tắc 3s và thông lệ quốc tế.
Về vận tải đường bộ, Dự thảo Luật nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải để đảm bảo phân định cụ thể giữa hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ, hoạt động vận tải cá nhân; phân loại lại các loại hình vận tải để đảm bảo phân định rõ, không bị chồng lấn giữa các loại hình vận tải; giảm bớt các điều kiện kinh doanh không cần thiết.