Một số kinh nghiệm vận động nguồn lực khi có thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Đặng Thu Hằng
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, có quan hệ hợp tác đối tác với 192 Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, với nhiều cơ quan, các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc, tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hội trực tiếp trợ giúp và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương cải thiện cuộc sống về vật chất và tinh thần, vươn lên trong cuộc sống.

Là một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng phát triển, có những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp nhân đạo của dân tộc, góp phần chăm sóc, giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội vươn lên trong cuộc sống.

Trong phòng ngừa, cứu trợ thiên tai, thảm họa và dịch bệnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn là một trong các lực lượng có mặt sớm nhất, kịp thời trợ giúp người dân khắc phục hậu quả và cũng là một trong các lực lượng gắn bó bền bỉ, lâu dài với Nhân dân, tham gia hỗ trợ sinh kế, giúp người dân vùng thiên tai phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Các phong trào xã hội nhân đạo, các chương trình khám chữa bệnh nhân đạo, vận động hiến máu tình nguyện, xây dựng mô hình cộng đồng an toàn, tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; hướng về biển đảo, trợ giúp ngư dân nghèo vươn khơi bám biển; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, hạn hán... là những hoạt động thiết thực, những nghĩa cử cao đẹp, có tính nhân văn sâu sắc, thấm đẫm tình người trong xã hội. Hợp tác quốc tế về nhân đạo của Hội được mở rộng; có nhiều hoạt động đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và hoạt động nhân đạo tại các nước bạn. Hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

ba-bui-thi-hoa-chu-tich-hoi-chu-thap-do-viet-nam-va-ong-conrad-sauve-chu-tich-hoi-chu-thap-do-canada-ky-ket-bien-ban-ghi-nho-hop-tac-giai-doan-2023-2026-1700475180.jpg
Bà Bùi Thị Hoà, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và ông Conrad Sauvé, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Canada ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023 – 2026.

Hiện nay, các đối tác truyền thống trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế dần đóng cửa văn phòng tại Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Hội, Hội đã phải tự nâng cao năng lực, cơ cấu tổ chức, tính hiệu quả trong hoạt động và chủ động kết nối, làm việc trực tiếp, song phương với các tổ chức thuộc chính phủ, tổ chức phi chính phủ quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài, như Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, các quỹ toàn cầu của các tập đoàn lớn (Coca-Cola, Procter & Gamble, Heneiken,…).

Nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược trong hoạt động vận động nguồn lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là vận động nguồn lực trong và ngoài nước đảm bảo tính bền vững bằng chính nội lực của tổ chức Hội. Thực tế cho thấy, vận động nguồn lực trong tình huống khẩn cấp thường thuận lợi hơn, tuy vậy đây là hoạt động không thường xuyên. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hoạt động Hội tham gia cứu trợ khẩn cấp đang chuyển dần sang cứu trợ mang tính bền vững và tham gia hoạt động giảm thiểu rủi ro thảm họa. Các cấp Hội luôn cần có nguồn lực dự trữ, sẵn sàng giúp đỡ đối tượng một cách chủ động, đảm bảo tính kịp thời khi triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, phục hồi và tái thiết.

Các chương trình, dự án, nguồn ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã và đang hỗ trợ triển khai thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đều phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân tại cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai; được chính quyền địa phương ủng hộ, người dân tích cực tham gia, phát huy được tính làm chủ của cộng đồng địa phương, giúp duy trì được các kết quả của dự án sau khi kết thúc.

hoi-chu-thap-do-viet-nam-ket-hop-voi-dien-gia-thien-su-minh-niem-to-chuc-chuong-trinh-talkshow-va-am-nhac-chua-lanh-chu-de-chi-tinh-thuong-o-lai-nham-van-dong-trieu-tam-lo-1700475180.jpg
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kết hợp với diễn giả - thiền sư Minh Niệm tổ chức chương trình Talkshow và âm nhạc chữa lành, chủ đề Chỉ tình thương ở lại nhằm vận động triệu tấm lòng yêu thương, ngàn mái nhà hạnh phúc cho đồng bào nghèo tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc.

Một trong những điểm mạnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khi làm việc và trao đổi với đối tác, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cần được nhấn mạnh là Hội có nhiều công cụ, cách tiếp cận, nguồn nhân lực, kỹ năng: Cứu trợ bằng tiền mặt, quy trình chuẩn trong ứng phó thảm họa, đánh giá nhu cầu và thiệt hại sau thiên tai, thảm hoạ.

Khi vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp, Hội có cơ chế báo cáo rõ ràng và minh bạch, thể hiện được tác động của các nguồn hỗ trợ; đồng thời có thể mời doanh nghiệp cùng tham gia trong các hoạt động tham gia tặng quà, đánh giá với sự tham gia của lãnh đạo và nhân viên của đơn vị tài trợ; có thể vận động tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến việc khuyến khích lãnh đạo và nhân viên cùng tham gia chương trình tình nguyện của Chữ thập đỏ. Qua đó, khuyến khích các hoạt động trách nhiệm xã hội trở thành một phần của doanh nghiệp, giúp cải thiện hình ảnh của các tổ chức, doanh nghiệp (tăng lòng tự hào và sự hài lòng của nhân viên).

Bên cạnh việc vận động nguồn lực thông qua các chương trình, dự án, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo về công tác vận động nguồn lực theo các phương thức như:

a) Vận động nguồn lực dựa vào số đông: Trung ương Hội đã phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông, Cục viễn thông và Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC triển khai vận động gây quỹ thông qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, đã triển khai các chương trình nhắn tin (tính từ 2010 đến nay); phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (Ngân hàng MB) qua APP Thiện Nguyện; với Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với hình thức ủng hộ trực tuyến Iraiser.

b) Vận động nguồn lực thông qua ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp, nghị quyết liên tịch với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong hoạt động nhân đạo: Trung ương Hội tiếp tục triển khai các chương trình, nghị quyết liên tịch đã ký kết với một số bộ, ngành, đồng thời ký kết nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp với hơn 30 cơ quan, tổ chức mới, góp phần vận động chính sách, vận động nguồn lực, nâng cao vị thế của tổ chức Hội và hiệu quả trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn.

c) Tổ chức sự kiện truyền thông vận động nguồn lực: Theo đó, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội tổ chức các sự kiện đặc biệt, để vận động các đối tượng hoặc địa bàn, sự việc cụ thể...

d) Tổ chức hội nghị đối tác, các cuộc họp trao đổi, thông tin về hoạt động nhân đạo: Xác định chủ đề, nội dung hội nghị; mời các đối tác là các tổ chức, doanh nghiệp của Hội tham dự, vừa ủng hộ kinh phí theo chủ đề, vừa đóng góp ý kiến xây dựng Hội.

lanh-dao-cap-cao-cua-hai-hoi-chu-thap-do-viet-nam-va-han-quoc-trao-doi-va-ky-ket-ban-ghi-nho-hop-tac-1700475180.jpg
Lãnh đạo cấp cao của hai Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi và ký kết Bản ghi nhớ hợp tác.

Từ thực tiễn công tác vận động nguồn lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong những năm qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, mối quan hệ chủ trì, phối hợp và xác định các mối quan tâm trọng tâm chung giữa tổ chức Hội với các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm, mặc dù các tổ chức, doanh nghiệp có thể có cách tiếp cận khác nhau nhưng cùng nhau làm việc theo các mục đích chung và chia sẻ kết quả đạt được.

Hai là, chú trọng công tác đánh giá, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo. Các khâu trong chu trình quản lý tài trợ luôn được chú trọng, từ khâu đánh giá nhu cầu, xác định các hoạt động can thiệp theo từng thời điểm; hoạt động giám sát được thực hiện thường xuyên, được phân cấp cụ thể cho từng địa phương; chia sẻ và cập nhật thường xuyên với nhà tài trợ; đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông.

Ba là, củng cố nhân sự phụ trách công tác vận động nguồn lực - đủ số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác; chú trọng tạo điều kiện để các cán bộ được tham gia các khóa tập huấn có liên quan; mời nhà tài trợ tham gia các hoạt động thực địa tại địa phương nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hiểu rõ hơn về nhu cầu thực tế tại địa phương; tôn vinh các nhà tài trợ có đóng góp lớn, thường xuyên đồng hành cùng tổ chức trong các hoạt động của tổ chức; chủ động tìm kiếm trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Bốn là, xây dựng kế hoạch dài hạn về vận động nguồn lực, đồng thời linh hoạt điều chỉnh hình thức vận động cho phù hợp; tăng cường hợp tác, cung cấp thông tin, đáp ứng đúng nhu cầu thông tin và thị hiếu đa dạng của tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Năm là, chú trọng việc xây dựng quan hệ đối tác: Tạo giá trị cho đối tác; thực hiện hoạt động và báo cáo định kỳ một cách minh bạch; xây dựng quan hệ mang tính chiến lược, tìm điểm tương đồng trong thực hiện trách nhiệm xã hội của đối tác với hoạt động ưu tiên chiến lược của Hội; khuyến khích sự tham gia của cả lãnh đạo và nhân viên của đối tác để họ được trải nghiệm các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ; phát triển quan hệ từ nhà tài trợ trở thành đối tác, tôn trọng và cân nhắc khả năng của đối tác trong việc đóng góp.

van-dong-nguon-luc-qua-hinh-thuc-nhan-tin-duoc-hoi-chu-thap-do-viet-nam-trien-khai-tu-nam-2010-trong-anh-phat-dong-chien-dich-quyen-gop-gay-quy-dong-hanh-cung-tre-em-ngheo-khuy-1700475180.jpg
Vận động nguồn lực qua hình thức nhắn tin được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 2010. Trong ảnh: Phát động chiến dịch quyên góp gây quỹ “Đồng hành cùng trẻ em nghèo, khuyết tật".
Nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược trong hoạt động vận động nguồn lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là vận động nguồn lực trong và ngoài nước đảm bảo tính bền vững bằng chính nội lực của tổ chức Hội. Thực tế cho thấy, vận động nguồn lực trong tình huống khẩn cấp thường thuận lợi hơn, tuy vậy đây là hoạt động không thường xuyên. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hoạt động Hội tham gia cứu trợ khẩn cấp đang chuyển dần sang cứu trợ mang tính bền vững và tham gia hoạt động giảm thiểu rủi ro thảm họa. Các cấp Hội luôn cần có nguồn lực dự trữ, sẵn sàng giúp đỡ đối tượng một cách chủ động, đảm bảo tính kịp thời khi triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, phục hồi và tái thiết.

Lương Thị Hồng Thuý