Một số chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đồng thời, tiến tới xây dựng một xã hội có giao thông an toàn, văn minh, hiện đại, thân thiện và bền vững. Một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Bắc Kạn, Phú Yên… đã xây dựng những chương trình tuyên truyền về TTATGT trên địa bàn tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện.

Đà Nẵng thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 15/6/2021 về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, với nhiều giải pháp như tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận và đoàn thể, tạo cơ chế phối hợp liên ngành đồng bộ; đẩy mạnh, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức; vận động các tổ chức và người dân trên địa bàn tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện.

Kế hoạch đặt mục tiêu nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, làm giảm mạnh các hành vi vi phạm về TTATGT như lạng lách, đánh võng, đi sai làn đường, vượt quá tốc độ cho phép, quá tải, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông... Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; phát triển vận tải khách công cộng gắn với kiểm soát, tiến tới giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân theo lộ trình. Hằng năm, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí, về số vụ, số người chết, số người bị thương, so với năm liền kề trước đó. Phấn đấu hạn chế thấp nhất việc để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

csgt ra quan db atgt(2)
Ảnh minh họa

Bắc Kạn: Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021–2030

Tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021–2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung tại Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, xây dựng hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông an toàn, hiện đại, thân thiện môi trường; người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, hình thành văn hóa giao thông an toàn; có hệ thống cấp cứu, điều trị kịp thời, hiệu quả đối với nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT); áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Hằng năm phấn đấu giảm 5-10% số người chết và bị thương do TNGT đường bộ một cách bền vững.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, quản lý nhà nước về TTATGT, tổ chức bộ máy quản lý ATGT từ cấp tỉnh đến cấp huyện được hoàn thiện, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Cơ sở dữ liệu an toàn giao thông (ATGT) được xây dựng và hoàn thiện theo công nghệ hiện đại, kết nối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý về ATGT. Tất cả 05 trụ cột về ATGT đường bộ gồm: Quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông được ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Về kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông, thực hiện xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống đường bộ; bảo đảm 100% các tuyến đường bộ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và đang khai thác được thẩm tra, thẩm định ATGT theo quy định; lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và chống tái lấn chiếm trên tất cả các quốc lộ được giao quản lý và các tuyến đường tỉnh; đảm bảo các công trình xây dựng lớn khi kết nối trực tiếp ra đường đô thị, quốc lộ và đường tỉnh không gây gia tăng ùn tắc, TNGT.

Đối với phương tiện giao thông, loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; kiểm soát 100% các loại phương tiện là máy kéo nông nghiệp (xe tắc tơ...) không được tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Người tham gia giao thông được giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về TTATGT và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải...

Phú Yên: Triển khai Đề án tuyên truyền về ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở

UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền về ATGT, trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2020 - 2025.

Mục đích của kế hoạch sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của các chủ thể tham gia giao thông, những người làm nhiệm vụ quản lý, điều hành giao thông.Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa giao thông, xử lý các tình huống khi tham gia giao thông...Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu năm 2025: 100% các cơ quan báo, đài địa phương xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về ATGT và phòng,chống tác hại của rượu, bia. Thiết lập chuyên trang, trang Mạng xã hội tuyên truyền về ATGT thu hút người truy cập, tiếp cận thông tin. 80% các hệ thống thông tin cơ sở tổ chức biên tập lại nội dung thông tin tuyên truyền về ATGT và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với địa phương, vùng miền để đăng, phát qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường và các hình thức khác.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về ATGT hoặc được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về ATGT, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe. Các nội dung cần tập trung tuyền truyền như: Phổ biến, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia.Tuyên truyền về văn hóa giao thông, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo ATGT tại các nước trên thế giới. Đẩy mạnh tuyên truyền về quy định ATGT đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không; các giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở những khu vực thường xuyên bị ùn tắc giao thông, điểm đông dân cư…

HN