Theo thông báo, vaccine trên phòng ngừa các chủng cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata và B/Victoria. Đây là 4 loại cúm phổ biến cần tiêm phòng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Moderna nêu rõ vaccine phòng cúm "4 trong 1" của hãng với tên gọi mRNA-1010 có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch đối với các chủng cúm A hiệu quả tương đương hoặc vượt trội hơn những loại vaccine phòng cúm A đã được cấp phép cho đến nay, tuy nhiên hiệu quả thấp hơn đối các các chủng cúm B.
Chủ tịch Moderna Stephen Hoge đánh giá đây là bước tiến quan trọng phát triển các loại vaccine phòng cúm dựa trên công nghệ mRNA. Ông tin rằng trong thời gian tới, Moderna có thể cải thiện hiệu quả của loại vaccine này trong phòng chống cúm B.
Cuộc thử nghiệm vaccine phòng cúm "4 trong 1" của Moderna đã trải qua 3 giai đoạn với sự tham gia của 6.102 người trưởng thành ở Argentina, Australia, Colombia, Panama và Philippines trong thời gian xảy ra cúm mùa. Những người tham gia đã được tiêm 1 liều mRNA-1010 hoặc 1 liều vaccine phòng cúm đã được cấp phép.
Moderna cho biết 70% người tiêm mRNA-1010 đã báo cáo các phản ứng phụ như đau đầu, sưng tấy và mệt mỏi so với 48% ở nhóm còn lại. Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine này đạt hiệu quả từ 40 đến 60% tùy từng chủng virus.
Moderna và các nhà sản xuất vaccine khác, trong đó có Sanofi, hy vọng công nghệ mRNA - kích hoạt phản ứng miễn dịch bằng cách đưa các phân tử di truyền chứa mã các bộ phận quan trọng của mầm bệnh vào tế bào người - có thể đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất vaccine, cũng như nâng cao hiệu quả của vaccine.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 3 - 5 triệu ca cúm nặng và khoảng 290.000 - 650.000 ca tử vong.