Mặc dù mới khai giảng được gần hai tuần nhưng nhiều trẻ vừa đi học được vài buổi đã phải nghỉ do bị ốm sốt, ho... khiến cha mẹ lo lắng. Vậy vì sao trẻ hay ốm khi mới đến trường và những bệnh mà trẻ thường hay gặp là gì?
Trẻ dễ mắc các bệnh lây nhiễm khi mới đến trường
Sau thời gian nghỉ học kéo dài, trẻ mới đi học trở lại nên giờ giấc sinh hoạt, ăn uống có sự thay đổi, cùng với đó môi trường lớp học đông sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh lây nhiễm.
Điều này xảy ra với tất cả các trẻ, nhưng hay ốm nhất là trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và bậc tiểu học. Đối với trẻ nhỏ việc lây nhiễm virus hô hấp trên - virus gây bệnh tai mũi họng rất dễ xảy ra. Ở trẻ dưới 6 tuổi, việc lây nhiễm này có thể lên đến 1 lần mỗi tháng, thường trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 4. Biểu hiện thường thấy ở trẻ khi nhiễm virus mũi họng là sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho... Và ở trẻ càng lớn thì sự lây nhiễm sẽ giảm đi, vì ở trẻ lớn sẽ có sức đề kháng tốt hơn, ý thức phòng bệnh cá nhân cũng tốt hơn.
Việc lây nhiễm virus ở trẻ tại trường học khá phổ biến, vì các hoạt động ở lớp học là sinh hoạt tập trung, trẻ thường tiếp xúc với mầm bệnh từ những trẻ khác… Chính vì vậy, dẫn đến việc trẻ bị nhiễm virus lặp lại nhiều lần, có trẻ mới đỡ, vừa khỏi lại bị tái lại với ho, sổ mũi, thậm chí là sốt nên phải nghỉ học.
Trên thực tế, tại phòng khám việc nhiễm virus ở trẻ đến trường nhiều hơn thời gian nghỉ hè hoặc trẻ được chăm sóc tại nhà. Rất nhiều cha mẹ lo lắng vì trẻ đến trường là ốm triền miên, khi đưa trẻ đi khám thường than phiền và đề nghị làm các loại xét nghiệm xem trẻ có mắc bệnh gì nghiêm trọng không.
Trẻ dễ mắc bệnh gì tại trường học và cách xử trí
Hiện thời tiết đang là mùa thu, nên có sự biến đổi rõ rệt, ban ngày thì oi ả, đêm lại mát. Đây cũng là mùa của các dịch bệnh do virus phát triển, các bệnh thường gặp như cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp… dễ gây khởi phát đợt cấp của các bệnh mạn tính như hen, viêm đa khớp thanh thiếu niên, viêm mũi dị ứng, mề đay…
Ở trẻ mẫu giáo lần đầu tiên đến lớp khiến cho tâm lý không tốt, cô mới, bạn mới, xa mẹ, xa bà nên dễ bị rối loạn tâm lý. Vấn đề này kéo theo cứ đi học là trẻ sợ hãi - khóc, phản kháng, không chịu đến trường. Có trẻ sẽ có biểu hiện rối loạn ăn uống hoặc rối loạn giấc ngủ, thậm chí lo lắng quá sẽ có biểu hiện thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, thậm chí thường xuyên rối loạn tiểu tiện.
Vậy, để xử trí các tình huống trên, trước hết cha mẹ lưu ý các chế độ điều trị dự phòng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để tránh tái phát bệnh nền. Nên cho trẻ khám định kỳ và tư vấn với bác sỹ về cách phòng tránh cho trẻ trong giai đoạn này.
Đối với trẻ nhỏ tuổi mẫu giáo, cha mẹ nên dành thời gian chuẩn bị tâm lý cho trẻ, nhẹ nhàng giải thích cho trẻ biết sự cần thiết phải đến trường. Khuyến khích tính độc lập và tự tin của trẻ, giúp trẻ giao tiếp với bạn bè, tạo được sự an tâm cho trẻ sẽ hạn chế những rối loạn tâm lý, giúp trẻ mau chóng hoà hợp với môi trường học đường, vượt qua được lo lắng, rối loạn tâm lý.
Khi nhắc đến trẻ em chắc chắn không thể không nói đến các bệnh đường hô hấp. Ở trẻ đến trường việc lây nhiễm khiến trẻ mắc các bệnh hô hấp rất hay gặp. Các bệnh đường hô hấp thường gặp là nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và viêm phế quản phổi.
Bệnh viêm họng do siêu vi, kết hợp với viêm kết mạc rất hay gặp ở trẻ nhỏ, có thể gây thành dịch. Khi mắc bệnh trẻ thường có dấu hiệu sốt trong vài ngày, kèm theo chảy nước mắt, nước mũi, ho nhẹ, có khi kèm theo đau họng, nuốt khó, nuốt đau…
Trẻ vẫn chơi bình thường, hầu hết các trường hợp viêm họng do siêu vi đều tự khỏi trong vòng 4 - 5 ngày, nếu không có bội nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, có trường hợp nặng biến chứng thành viêm phổi. Khi bị viêm phổi trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao, trên 38,5 độ C, ho đờm, thở nhanh, khó thở. Trẻ mệt mỏi, kém chơi...
Đối với thể nhẹ, trẻ vẫn chơi nên cha mẹ cần chăm sóc tại nhà, nếu có biểu hiện viêm phổi cần cho trẻ tới cơ sở y tế để được khám và xử trí.
Khi chăm sóc trẻ bị bệnh tại nhà cần lưu ý theo dõi nhịp thở, kiểu thở và biểu hiện khó thở là dấu hiệu bệnh trở nặng. Khi có một trong các dấu hiệu sốt rất cao, mệt nhiều hoặc thở mệt, thở bất thường cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện.
Khi trẻ sốt nhẹ, cho trẻ mặc quần áo mỏng và thoáng. Khi trẻ ho, khò khè, vỗ lưng giúp tống xuất đờm ra ngoài, trẻ sẽ giảm và hết ho. Vệ sinh thông mũi cho trẻ, dạy trẻ che miệng khi ho, khi hắt hơi, nhày mũi và không khạc nhổ bừa bãi.
Tránh để trẻ tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh. Cho trẻ uống nhiều nước. Tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Cách ly trẻ để tránh lây lan. Tiêm chủng đầy đủ.
Khi nào trẻ ốm cần được cho nghỉ học?
Hiện nay, thời điểm năm học mới vừa bắt đầu, các chuyên gia đã cảnh báo số trẻ mắc COVID-19 có thể gia tăng nhanh. Vì vậy, khi trẻ sốt >38 độ C, đau rát họng, ho, tiêu chảy, mệt mỏi… cần cho trẻ nghỉ học để chăm sóc và theo dõi.
Các cha mẹ cần lưu ý, khi trẻ đi học cần phối hợp với nhà trường thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, thông báo cho nhà trường khi trẻ mắc bệnh hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19; hướng dẫn cho trẻ những biện pháp phòng chống lây nhiễm như vệ sinh đúng cách, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác, bỏ rác thải đúng nơi quy định… Nếu trẻ ốm sốt 38 độ C, tốt nhất cha mẹ nên để con nghỉ ở nhà và sau khi khỏi sốt ít nhất 1 ngày mới cho quay lại trường.