Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới và xu hướng tuổi "trẻ hóa". Ngoài ung thư gan, phổi, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp ung thư vú ở tuổi thanh niên - bệnh trước đây thường gặp ở tuổi trung niên.
Do trình độ y khoa phát triển, mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân cũng tăng lên. Do đó, có rất nhiều trường hợp ung thư được phát hiện khi còn rất trẻ tuổi nhờ tầm soát sớm. Như người đàn ông 34 tuổi vừa đến Bệnh viện K (Hà Nội) khám do chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải... Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư gan giai đoạn muộn, khối u to 6-8cm và nhiều khối u nhỏ xung quanh, tiên lượng nặng. Nhận kết quả chẩn đoán, bệnh nhân bàng hoàng, bởi bố anh cũng vừa mất vì ung thư. Khó chấp nhận kết quả này, bệnh nhân yêu cầu xét nghiệm lại vì sợ nhầm lẫn.
Nhiều bệnh nhân trẻ khác vô tình phát hiện ung thư khi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Cũng như người đàn ông trên, hầu hết không chấp nhận kết quả chẩn đoán ban đầu do bất ngờ và nghĩ rằng tuổi đời còn trẻ.
Lý giải về độ tuổi ung thư ngày càng trẻ, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trình độ y khoa phát triển, mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân cũng tăng lên. Do đó, có rất nhiều trường hợp ung thư được phát hiện khi còn rất trẻ tuổi nhờ tầm soát sớm.
Trong đó, ung thư gan hiện là bệnh lý đứng số một về cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong trong tất cả loại ung thư ở Việt Nam. Ngoài ra, dấu hiệu của ung thư gan rất nhạt nhòa. Hầu hết bệnh nhân đến viện khám được chẩn đoán ung thư gan thì đã ở giai đoạn tiến triển, hoặc muộn. Chỉ khoảng 10-20% trường hợp đến khám ở giai đoạn còn có thể can thiệp phẫu thuật được, chủ yếu do tình cờ đi khám vì những bệnh lý khác, sinh thiết mới phát hiện ung thư.
Ung thư phổi ở vị trí thứ hai sau ung thư gan với khoảng 26.000 người mắc mới và 23.000 người tử vong mỗi năm. 75% bệnh nhân ung thư phổi tại nước ta phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Như một bệnh nhân nữ 25 tuổi bị tê yếu nửa người trái, co giật, nhập viện Bạch Mai phát hiện ung thư phổi di căn não giai đoạn 4. Bệnh nhân không có các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở, ho ra máu..., tiền sử gia đình cũng không có bất thường.
Ung thư vú cũng có tỷ lệ bệnh nhân trẻ cao. Trước đây, bệnh chủ yếu gặp ở nhóm trên 50 tuổi, hiện ghi nhận trường hợp trên 30 tuổi mắc bệnh. Độ tuổi khuyến cáo tầm soát ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng hiện nay từ 40 - 45 tuổi, thay vì trên 60 tuổi như trước.
Ngoài ra, tiếp xúc sớm với các tác nhân gây ung thư khiến cho tỷ lệ người trẻ mắc bệnh gia tăng. Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) có ba tác nhân gây ung thư chính gồm: Tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời...); tác nhân hóa học (phẩm nhuộm...); tác nhân sinh học (vi khuẩn HP, viêm gan B...) có trong bia rượu, đồ ăn uống. Lối sống lười vận động, ngồi văn phòng, lệ thuộc máy tính, điện thoại, đi ngủ muộn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Chế độ ăn uống không lành mạnh ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối... Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích... cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng nhiều.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo giảm tất cả yếu tố nguy cơ. Ví dụ, gia đình có bố và anh trai của bố mắc ung thư đại tràng, dạ dày hoặc mẹ, dì hoặc bác gái mắc ung thư vú, bạn cần phải tầm soát sớm. Đây là nhóm có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với người khác. Mốc thời điểm tầm soát ung thư là sau tuổi 30. Người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường và là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, ung thư vú sau mãn kinh...
Bác sĩ khuyến cáo giới trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc; tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin. Tiêm vaccine ngừa một số bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, C và tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung.