Một người mẹ che ô cho con để tránh nắng nóng ở Kolkata, Ấn Độ, ngày 3/7/2023. (Ảnh: Getty Images) |
Trong thông điệp phát đi ngày 7/8, UNICEF cho biết tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng sẽ còn tăng lên trong tương lai do tác động từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Trong số các khu vực, Nam Á có tỷ lệ trẻ em tiếp xúc với nhiệt độ cao cực đoan, với 76% trẻ em ở dưới 18 tuổi trong khu vực (tương đương hoảng 460 triệu người) phải trải qua 83 hoặc nhiều ngày hơn thế trong năm có nhiệt độ vượt quá 35 độ C.
Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á của UNICEF Sanjay Wijesekera lưu ý, số liệu trên đồng nghĩa với việc 3/4 trẻ em ở Nam Á tiếp xúc với nhiệt độ cao tới mức cực đoan, so với tỷ lệ 1/3 trên toàn cầu. Cuộc sống và niềm vui của hàng triệu trẻ em ở Nam Á đang ngày càng bị đe dọa bởi nắng nóng và nhiệt độ cao. Vào thời điển hiện tại, các quốc gia trong khu vực này chưa phải những nước có nền nhiệt cao nhất trên thế giới, nhưng sức nóng ở đây đang đe dọa tính mạng của hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương.
“Chúng tôi đặc biệt lo ngại về trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng hay phụ nữ mang thai, vì họ là những đối tượng dễ bị say nắng và chịu các tác động nghiêm trọng khác” – quan chức của Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Nắng nóng đang gia tăng cường độ và tần suất tại nhiều khu vực trên thế giới
Kể từ cuối những năm 1800, nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,2 độ C, làm gia tăng cường độ và tần suất của các đợt nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong đó, tháng 7/2023 được ghi nhận tháng nóng nhất trong lịch sử, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người sống tại các khu vực thuộc châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.
Theo Chỉ số rủi ro khí hậu với trẻ em của UNICEF năm 2021, trẻ em ở Afghanistan, Bangladesh, Ấn Độ, Maldives và Pakistan đang đối mặt với “nguy cơ cực kỳ cao” trước tác động của biến đổi khí hậu. Thực tế đó đòi hỏi thế giới cần hành động ngay, nếu không trẻ em sẽ tiếp tục phải gánh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của những đợt nắng nóng thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong tương lai.
Tại các khu vực thuộc tỉnh Sindh phía Nam Pakistan, bao gồm Jacobabad (thành phố nóng nhất thế giới vào năm 2022), nhiệt độ ghi nhận được đã lên tới ngưỡng 40 độ C vào tháng 6/2023, khiến 1,8 triệu người gặp rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Đáng lo ngại là các đợt nắng nóng thiêu đốt này xảy ra chưa đầy một năm sau khi các khu vực phía Nam tỉnh Sindh bị nhấn chìm bởi trận lũ lụt tàn khốc diễn ra vào tháng 8/2022.
Nắng nóng đem lại nhiều rủi ro đối với sức khỏe con người
Ảnh minh họa: UNICEF |
Trái với suy nghĩ của nhiều người, trẻ em có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe do nắng nóng gây ra, ngay cả trong mùa mưa. Điều này là do cơ thể của trẻ nhỏ không thể thích ứng nhanh với sự thay đổi nhiệt độ nên không thể loại bỏ nhiệt dư thừa ra khỏi cơ thể. Nắng nóng có thể gây ra các triệu chứng và bệnh tật như: nhiệt độ cơ thể cao hơn, nhịp tim nhanh, chuột rút, nhức đầu dữ dội, lú lẫn, suy nội tạng, mất nước, ngất xỉu và hôn mê ở trẻ nhỏ; phát triển trí tuệ kém ở trẻ sơ sinh; kèm theo đó là những trở ngại trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ như rối loạn chức năng thần kinh và các bệnh tim mạch.
Trong khi đó, nắng nóng có thể khiến phụ nữ mang thai gặp những rủi ro như: Hiện tượng co thắt sớm, tăng huyết áp, co giật, huyết áp cao, sinh non và thai chết lưu.
Để phòng tránh những rủi ro về nắng nóng đối với trẻ nhỏ, các chuyên gia khuyến cáo thực hiện các biện pháp như chườm đá, quạt hoặc phun nước có thể giúp hạ nhiệt độ cơ thể. Việc ngâm mình trong nước lạnh có thể giúp ích cho những trẻ lớn hơn khi gặp phải thời tiết nắng nóng.
Theo đánh giá của UNICEF, phụ nữ, thanh thiếu niên và những trẻ em dễ bị tổn thương nhất chính là những người phải trả giá đắt vì các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Ông Wijesekera nói: “Trẻ nhỏ đơn giản là không thể chịu được cái nóng…Trừ khi chúng ta hành động ngay bây giờ, nếu không, những đứa trẻ này sẽ tiếp tục phải đối mặt với những đợt nắng nóng thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn trong những năm tới mà không phải do lỗi của chúng gây ra”.
Các biện pháp phòng ngừa rủi ro do nắng nóng gây ra
Khi nhiệt độ tăng cao, UNICEF kêu gọi nhân viên tuyến đầu, phụ huynh, gia đình, người chăm sóc và chính quyền địa phương bảo vệ trẻ em và chống lại nắng nóng thông qua việc thực hiện những biện pháp sau:
- Nhận thức về các vấn đề sức khỏe do nắng nóng gây ra để bảo vệ bản thân và con cái của bạn. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và nhận biết tình trạng căng thẳng do nắng nóng và nắm rõ những hành động cần thực hiện;
- Dễ dàng xác định các triệu chứng. Nhận biết các triệu chứng của các vấn đề sức khỏe khác nhau liên quan đến nắng nóng mà người chăm sóc, cộng đồng và nhân viên tuyến đầu cần biết;
- Tìm hiểu các hành động sơ cứu mà người chăm sóc và nhân viên tuyến đầu cần thực hiện để cân bằng lại thân nhiệt trong thời gian ngắn;
- Nhân viên tuyến đầu, gia đình và người chăm sóc nên nhận biết các triệu chứng của sốc nhiệt ngay lập tức, đặc biệt là các dấu hiệu say nắng và đưa những người bị ảnh hưởng đến cơ sở y tế.