Lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng

Đặng Thu Hằng
Được phát động từ năm 2008, “Sức mạnh Nhân đạo” là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức thường niên. Chương trình có mục đích cao cả nhằm vận động nguồn lực trong xã hội để chăm lo cho người nghèo mỗi dịp Tết đến xuân về. Chương trình cũng tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác nhân đạo, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, hành động tử tế trong cộng đồng.

Chương trình “Sức mạnh Nhân đạo 2023” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam lúc 20 giờ ngày 22/11/2023. Đây cũng là dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2023). Đặc biệt, chương trình năm nay là hoạt động bên lề của Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Hội nghị AP-11) với chủ đề "Châu Á - Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm hoạ".

z4906053371106-4f66afd59dfc4ecdcab58c6f5049efb5-1700668625-1700849170.jpeg
Các đại biểu phát động phong trào "Tết Nhân ái 2024". (Ảnh: Thanh Tùng)

"Sức mạnh Nhân đạo 2023" tôn vinh các đối tác trong và ngoài nước cho hoạt động nhân đạo và phong trào Chữ thập đỏ trong thời gian qua; phát động chiến dịch 77 ngày hưởng ứng Phong trào “Tết Nhân ái” 2024 kêu gọi các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức các Chương trình, hoạt động Tết Nhân ái, chăm lo cho người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết trong tình yêu thương ấm áp của cả cộng đồng. Ngoài ra, chương trình còn có những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa mang lại những giá trị nhân đạo, tình đoàn kết hữu nghị và tạo sự lan tỏa kết nối phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc.

Phong trào “Tết Nhân ái” được kế thừa từ Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999. Phong trào nhằm tiếp tục huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các mô hình “Tặng quà - Vui Tết” để trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui xuân, đón Tết trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc theo điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.

Tết nguyên đán Giáp Thìn năm nay, toàn Hội phấn đấu chăm lo, hỗ trợ 1,2 triệu suất quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 700 tỷ đồng. Thời gian triển khai các hoạt động của Phong trào “Tết Nhân ái” 2024 bắt đầu từ ngày 20/01/2024 đến ngày 04/02/2024 (tức từ ngày 10/12 đến ngày 27/12 âm lịch), trong đó cao điểm từ ngày 25/01/2024 đến ngày 03/02/2024 (tức từ ngày 15/12 đến ngày 24/12 âm lịch).

Trung ương Hội chỉ đạo, tổ chức Chương trình “Tết Nhân ái” 2024 với 20 Chương trình “Tết Nhân ái” cấp Trung ương ở 8 Cụm Thi đua (02 Chương trình/Cụm và 4 Chương trình tại các tỉnh/thành phố theo chỉ định); 200 Chương trình “Tết Nhân ái” cấp tỉnh (trong đó, mỗi tỉnh, thành phố tổ chức tối thiểu 02 Chương trình cấp tỉnh). Đối tượng hưởng lợi là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2023, những nhóm dễ bị thương khác (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người neo đơn,...); Người không có điều kiện vui xuân, đón tết cùng với gia đình do hoàn cảnh neo đơn, khó khăn (người già, trẻ mồ côi không nơi nương tựa sống tại các trung tâm nuôi dưỡng tập trung; người vô gia cư, xóm trọ lao động, xóm trọ bệnh nhân…).

Đặc biệt, chương trình "Sức mạnh Nhân đạo 2023" cùng Hội nghị AP-11 có sự chung tay giúp sức rất lớn của Ban quản lý Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương (WWF). Hội nghị AP-11 với 1 tiêu chuẩn "HỘI NGHỊ XANH", Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và WWF mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, sẵn sàng trước thảm họa, phát triển bền vững.

Bởi biến đổi khí hậu khiến mỗi năm khu vực Châu Á – Thái Bình Dương xảy ra hàng ngàn đợt thiên tai bất thường, trái quy luật như: Bão đổ bộ liên tiếp, ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng, triều cường kết hợp gió mạnh gây sóng lớn, ngập lụt đô thị, mưa lớn kéo dài, sạt lở đất, lũ quét, nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, không khí lạnh mạnh nhất, dịch bệnh nghiêm trọng…Những hiện tượng thời tiết cực đoạn này đã gây thiệt hại kinh tế, cản trở sự phát triển của quốc gia

Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm Việt Nam hứng chịu hơn 1000 đợt thiên tai. Ước tính, trong 20 năm qua, ở Việt Nam các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại hơn 6,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, là một đất nước với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người. Tình hình ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển (marine debris), đặc biệt là rác thải nhựa.

image001-a075519c-1700849359.jpeg

Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt, hay còn có những khu vực rừng ngập mặn tràn ngập túi, rác thải nilon. Ngoài ra, hiện lượng chất thải rắn, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước Việt Nam vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày), con số đó vẫn không ngừng tăng.

Hy vọng rằng Hội nghị AP-11 được tổ chức đã giúp các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tìm ra được giải pháp giảm thiểu sự ảnh hưởng của thiên tai, cùng hướng tới một tương lai giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, nhằm củng cố thêm về kiến thức, thái độ, chuẩn mực, niềm tin, thay đổi hành vi của mọi người.

PV