Trong 3 năm qua, WWF đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện 4 hợp phần lớn đó là Truyền thông, chính sách, Đô thị giảm nhựa, Thủy sản và Khu bảo tồn biển. Trong đó, nổi bật là các hoạt động hỗ trợ về chính sách, giúp Việt Nam hướng đến một thảo thuận toàn cầu ràng buộc pháp lý để giải quyết ô nhiễm nhựa trên biển.
Dự án đã hỗ trợ xây dựng “Hồ sơ rác thải nhựa đại dương”, đây là nguồn kiến thức về nhựa đại dương, trình bày chi tiết hiện trạng, tác động và khuôn khổ pháp lý giải quyết vấn đề này, nhằm nâng cao năng lực của các đối tác chính phủ trong công việc liên quan.
WWF cùng các đối tác và Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện nghiên cứu và phát triển tài liệu “Hướng dẫn các quy trình khảo sát và đánh giá rác thải nhựa địa dương tại Việt Nam”. Tài liệu được xây dựng dựa trên kinh nghiệm quốc tế và bối cảnh Việt Nam để các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét và áp dụng chính thức. Viện và các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu thực địa để xác minh tính khả thi của quy trình đề xuất cho công tác khảo sát rác thải nhựa và vi nhựa trong các môi trường biển khác nhau, bao gồm cửa sông, bề mặt đáy đại dương và các bãi biển. Với việc hoàn thiện nghiên cứu này, Việt Nam đã tiến một bước gần hơn đến việc chuẩn hóa phương pháp luận cho khảo sát nhựa đại dương trên toàn quốc và hài hòa dữ liệu cho một kế hoạch giám sát, đánh giá trên phạm vi toàn quốc trong một tương lai gần.
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện mang tính chất quốc tế đã được hai bên phối hợp thực hiện làm nổi bật cam kết của Việt Nam trong hành động chống rác thải nhựa như: Phối hợp với Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đệ trình tuyên bố bằng văn bản tới cuộc họp lần thứ tư của Nhóm chuyên gia về rác thải nhựa đại dương và vi nhựa (AHEG) do UNEP khởi xướng. Tuyên bố nêu rõ “Việt Nam ủng hộ việc xây dựng một thảo thuận toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết nhựa”.
Tại Hội nghị SEA of Solution 2020, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân khẳng định “Việt Nam ủng hộ, sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực vào việc đàm phán và xây dựng hiệp ước toàn cầu”, chính thức nâng cao cam kết của Việt Nam. Điều này cũng cho thấy vai trò tích cực và năng động của Việt Nam trong quá trình đàm phán tiềm năng cho hiệp ước mới toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Tháng 6/2021 Việt Nam cũng đã cùng 80 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông quan Tuyên bố Ngày đại dương về Ô nhiễm nhựa. Trong tuyên bố, các Chính phủ cam kết nỗ lực hướng tới việc thành lập ủy ban đàm phán Liên Chính phủ với nhiệm vụ chuẩn bị một thoa thuận toàn cầu mới và ràng buộc pháp lý về giải quyết ô nhiễm nhựa tại Kỳ họp Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 2/2022
Tháng 3/2022, tại kỳ họp của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA - 5.2), Việt Nam cùng các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết mang tính lịch sử nhằm xây dựng một hiệp ước ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, đánh dấu một trong những hành động môi trường tham vọng nhất thế giới kể từ Nghị định thư Montreal nhấn mạnh vào việc loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Việc thông qua Nghị quyết của Liên hợp quốc đặt tiền đề cho việc thành lập Ủy ban đàm phán Liên chính phủ để chính thức đàm phán vê hiệp ước quốc tế ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa và định hướng cho quá trình xây dựng một hiệp ước mạnh mẽ, bao gồm các quy tắc và nghĩa vụ toàn cầu xuyên suốt vòng đời của nhựa.
Trong thời gian tới, Dự án tiếp tục đồng hành cùng Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai các hoạt động liên quan đến phân loại rác thải tại nguồn, nhựa sử dụng 1 lần, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR), Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai việc tham gia các chương trình đối thoại cấp vùng và toàn cầu cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin dữ liệu về ô nhiễm nhựa và xây dựng công nghệ, năng lực tái chế…
Theo báo Tài nguyên Môi trường