Ngày 19/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy điều hành phiên giải trình.
Tham dự Phiên giải trình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc; đại diện lãnh đạo các Ủy ban: Văn hóa - Giáo dục,Pháp luật, Tư pháp; đại diện lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương; đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai…
Công tác quản lý CTRSH đã có nhiều chuyển biến tích cực
Để chuẩn bị tổ chức Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt”, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổng hợp, nghiên cứu tài liệu và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổ chức khảo sát tại 4 địa phương, gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng và tỉnh Đồng Nai. Cụ thể là, khảo sát thực tế việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải rắn sinh hoạt, làm việc với UBND tỉnh, thành phố, đại diện các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn. Trong quá trình khảo sát, làm việc đều có sự tham gia của các Bộ liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại phiên giải trình, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các đại biểu ghi nhận, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trong phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 09/NQ-CP tháng 1.2019 của Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn và Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và ban hành Thông tư số 02 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống văn bản pháp quy về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp tục được hoàn thiện; tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải rắn sinh hoạt thống nhất theo định hướng thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, thu hồi năng lượng, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; qua đó đat được nhiều kết quả bước đầu khá tích cực.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn trong thực hiện quy trình, thủ tục xin cấp phép đầu tư nhà máy xử lý rác thải; chưa áp dụng đồng bộ chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa xử lý rác thải ở các địa phương; tỷ lệ rác thải được xử lý bằng chôn lấp trực tiếp còn cao (70%), tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt người dân…
Một số đại biểu lưu ý, chính sách về giá đối với thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên thực tế còn bất cập, mức thu hiện nay chưa đáp ứng được chi phí cho thu gom, vận chuyển , ngân sách nhà nước phải bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển. Việc đầu tư các cơ sở xử lý rác thải phân tán, quy mô nhỏ tại một số địa phương, khu vực nông thôn hiệu quả thấp, khó kiểm soát việc bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác thải chưa kịp thời.
Một số ý kiến lưu ý, trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, công tác quản lý về chất thải rắn sinh hoạt còn không ít khó khăn, thách thức, nguy cơ “khủng hoảng rác” vẫn tiềm ẩn ở nhiều địa phương. Nếu không tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề quản lý hiệu quả, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống sinh hoạt của Nhân dân, thậm chí dẫn đến các nguy cơ về an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xử lý rác
Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được Bộ chủ quản, các bộ ngành phối hợp xây dựng, hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ, dự kiến trong tháng 12 này sẽ được ban hành để triển khai thực hiện, bảo đảm chuẩn bị về tài chính, năng lực quản trị, mô hình, công nghệ, tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện trên cả nước vào năm 2025 như quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt được khuyến khích thực hiện, quy định tại Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, thậm chí ấn định từ Luật năm 2004. Hiện nay, việc xử lý rác được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, thực tế cũng cho thấy hoạt động đầu tư này mang lại lợi nhuận cho họ. Do vậy, không có việc buộc doanh nghiệp phải đấu thầu sử dụng đất, đấu giá giá điện, đòi hỏi các địa phương phải quy hoạch, có quỹ đất dành cho xây dựng nhà máy xử lý rác. “Việc lựa chọn nhà đầu tư chỉ trên khía cạnh lựa chọn năng lực quản trị, công nghệ, giá xử lý rác. Các nhà đầu tư khi vào thực hiện không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm môi trường an toàn thì nhà đầu tư mới sẽ vào”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Về giá thu dịch vụ xử lý rác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện chỉ đáp ứng 1/10 chi phí xử lý, trong khi để đạt các yêu cầu bảo vệ môi trường thì phải đầu tư công nghệ có chi phí lớn, khiến địa phương hiện khá lúng túng. Bộ trưởng cam kết, năm 2023 sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Tài nguyên và Môi trường; tiếp tục ban hành danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về rác thải, khí thải…; triển khai hướng dẫn mô hình thu gom, phân loại, đưa các loại chất thải rắn đi tái chế… “Hiện nay có chính sách quan trọng là mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp đã được Luật quy định, có nguồn tài chính thu từ doanh nghiệp. Do đó, Bộ đang lựa chọn một số địa phương để hướng dẫn, giám sát kỹ thuật cho địa phương tiến hành quản lý công tác này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Công thương cũng đã tham giai giải trình về các vấn đề được đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp đặt ra.
Cần xác định xử lý rác thải là một ngành công nghiệp
Phát biểu tại Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải hoan nghênh Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Phiên giải trình về nội dung này; khẳng định, Ủy ban đã chọn đúng và trúng vấn đề luôn được đông đảo cử tri, người dân quan tâm là thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
“Sau một năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã đến thời điểm đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật, đưa quy định pháp luật vào thực tiễn như thế nào”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, liên quan đến xử lý rác thải rắn sinh hoạt đòi hỏi phải quan tâm đến cả khoa học, công nghệ, tài chính...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, vấn đề khoa học công nghệ đã được các cơ quan chức năng bước đầu quan tâm, đã ban hành văn bản quy định chi tiết và tới đây chắc chắn sẽ có hướng dẫn đầy đủ cho địa phương, nhưng vấn đề tài chính liên quan đến xử lý rác thải rắn sinh hoạt chưa có giải pháp hữu hiệu, dù hiện đã có danh mục đầu tư cho khoa học, công nghệ môi trường, trong phân bổ ngân sách hàng năm có mục bố trí vốn sự nghiệp kinh tế (trong đó có sự nghiệp môi trường).
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngành xử lý rác thải nói chung, rác thải rắn sinh hoạt nói riêng cần được đối xử như một ngành công nghiệp, phải vận hành theo cơ chế thị trường. Lộ trình chuyển phí thành giá là bắt buộc, tiến tới xây dựng giá về xử lý rác thải sinh hoạt thì mới bù đắp được chi phí tái sản xuất, thu gom rác. Nhà nước chỉ hỗ trợ đối tượng cần hỗ trợ, vận hành công nghiệp xử lý rác thải phải theo nguyên tắc kinh tế thị trường, bám sát nguyên tắc người gây ra ô nhiễm phải là người trả tiền.
Để triển khai hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở, cần nghiên cứu các mô hình điển hình tại tỉnh Đồng Nai, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) để triển khai áp dụng trên cả nước; chủ động cập nhật các công nghệ tiên tiến của thế giới; chính quyền các tỉnh, thành phố cần quan tâm ứng dụng công nghệ xử lý rác thải mới, thân thiện với môi trường…
Về cơ chế, chính sách cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành nỗ lực thực hiện đúng thời hạn các cam kết được đưa ra tại Phiên giải trình, nhằm bảo đảm tạo khung pháp lý cơ bản và đầy đủ, góp phần thúc đẩy thực hiện hoạt động này.