Cho đến nay, anh K’Kil - người dân tộc Mạ (42 tuổi) đã trải qua 14 năm liền với 28 lần hiến máu nhưng anh vẫn nhớ từng kỷ niệm mỗi lần đi hiến máu. Bởi sau những lần ấy, trong “gia đình” người có nhóm máu A lại có thêm một thành viên cùng chia sẻ, gắn kết với nhau trong cuộc sống cũng như trong hoạt động hiến máu trong cộng đồng.
Ngược dòng ký ức, anh K’Kil chia sẻ về cơ duyên gắn kết với hiến máu nhân đạo. Anh nói rằng: Năm 2009, vào một buổi chiều của Đà Lạt, anh có nhận được thông báo trong nhóm tình nguyện về một người bệnh ở Bệnh viện Hoàn Mỹ thuộc nhóm máu A đang trong tình trạng nguy kịch, cần gấp máu để truyền trong quá trình phẩu thuật. Lúc ấy, bản thân chẳng nghĩ nhiều, cũng không thể chần chừ, do dự, mà chạy thẳng ngay lên bệnh viện vì bệnh nhân đang cần máu gấp, nếu chậm trễ có thể khiến người bệnh mất đi cơ hội sống.
“Lúc ấy tôi đang là cán bộ phong trào hiến máu thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Đà Lạt. Bởi không thể nghĩ gì khác ngoài việc đi thật nhanh đến bệnh viện để kịp đến truyền máu cho người bệnh. Trời thì mưa và tối nhưng tôi cố gắng đi nhanh nhất có thể. Khi đến nơi, vừa may vẫn kịp, 300 ml máu của tôi được truyền trực tiếp cho bệnh nhân và kịp thời hỗ trợ trong quá trình truyền máu để các bác sỹ thực hiện thành công ca phẩu thuật” - anh K’Kil nhớ lại.
Qua cơn nguy kịch, gia đình bệnh nhân tìm gặp anh K’Kil và xúc động cảm ơn vì lúc đó nguồn máu của bệnh viện không đủ để hỗ trợ cho ca phẫu thuật. “Thực ra, lần đầu tiên hiến máu, và hiến gấp như thế, bản thân mình cũng thấy lo, cũng thấy sợ, nhưng nghĩ tới bệnh nhân họ đang giành giật giữa sự sống và cái chết, tôi đã cho đi mà không còn e ngại. Ngay sau khi tiếp nhận máu và nhận được thông báo bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, cảm giác của tôi lúc ấy thấy rất tuyệt vời, thú vị vì mình đã góp phần cứu sống được người khác. Khi đến hiến máu, chưa biết bệnh nhân là ai nhưng lúc sau họ với mình đã trở nên thân thiết”.
Suốt chặng đường dài gắn bó với Hội Chữ thập đỏ, bản thân anh K’Kil không đặt ra mục tiêu một năm phải hiến máu bao nhiêu lần mà phụ thuộc vào sức khỏe, thời gian và công việc. “Tôi luôn trân trọng và coi đó như là “sứ mệnh” của bản thân. Hiến máu số lượng nhiều nên hầu như mỗi lần hiến xong tôi đều phải dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống điều độ để đảm bảo sức khoẻ”, anh K’Kil chia sẻ.
Bên cạnh việc “cho đi”, anh K’Kil cũng tích cực vận động các cán bộ, giáo viên, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã Đạ Đờn có đủ sức khỏe tham gia hiến máu. Đến nay, với vai trò là cán bộ Văn phòng Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đạ Đờn, và là thành viên nằm trong đội hiến máu của địa phương, anh K’Kil dành nhiều thời gian đầu tư nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới, chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè đồng chí, đồng nghiệp tích cực tham gia hiến máu tình nguyện vào các đợt hiến máu trong năm.
“Đặc biệt, đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây khi họ chưa hiểu hết về việc hiến máu cứu người, việc vận động họ đến hiến máu là rất khó. Nhưng sau đó, bản thân mình là người trực tiếp hiến máu, và nghe mình kể lại những câu chuyện, hành trình của những giọt máu cứu người góp phần để giành lại sự sống cho biết bao nhiêu người thì khi ấy, bà con đã hiểu và tích cực tham gia hiến máu nhiều hơn”, anh K’Kil giãi bày.
Đánh giá về những hoạt động của anh K’Kil, ông Phan Văn Tĩnh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lâm Hà cho biết: “Anh K’Kil là một trong những gương tiêu biểu của huyện Lâm Hà trong công tác hiến máu cứu người. Những năm qua, anh là người tâm huyết với công tác xã hội nói chung và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ nói riêng. Bên cạnh đó, là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đạ Đờn, anh cũng trở thành địa chỉ uy tín với người dân, các tổ chức đoàn thể, từ thiện... trong nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng. Công tác trong Hội Chữ thập đỏ trong những năm qua, anh K’Kil chính là một trong những tấm lòng nhân ái sẽ tạo cơ hội lớn cho rất nhiều bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ cần máu”.