Kiên Giang: Chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Trước sự tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Kiên Giang đã lên kế hoạch và phương án phòng chống, ứng phó, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống công trình, phi công trình nhằm chủ động trong việc phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.
007-1658737486.jpg
Bộ đội Biên phòng theo sát từng địa bàn để kịp thời hỗ trợ người dân. Ảnh: BP

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, những tháng đầu năm 2022, thiên tai đã làm 2 người chết, 2 người bị thương, sập và tốc mái hơn 100 căn nhà. Ước thiệt hại về vật chất khoảng hơn 1,5 tỉ đồng. Tháng 5.2022, mưa lớn kéo dài và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, sóng biển dâng cao đã làm đứt đoạn đê chiều dài 30m, rộng 25m từ Vàm Kim Quy hướng về cống Mương Đào thuộc địa bàn xã Vân Khánh (huyện An Minh), ảnh hưởng đến 500ha diện tích sản xuất và 150 hộ dân thuộc 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây.

Hiện nay đang vào mùa mưa bão, tỉnh cũng chủ động có các kế hoạch ứng phó và các phương án dự trù cho những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn với tinh thần chủ động, kịp thời, hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống cho người dân.

Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn một cách cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế. Các sở, ngành cấp tỉnh và huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thông qua nhiều hình thức, nội dung, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu những tác động tiêu cực của thiên tai.

Thực hiện lồng ghép các nội dung đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu của công trình kết cấu hạ tầng, nhất là các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ, khu vực tránh trú bão cho tàu thuyền, di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai. Xây dựng, triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão, kiểm tra, rà soát xử lý, khắc phục các tuyến công trình giao thông gây cản trở thoát lũ, đảm bảo an toàn vận tải khi mưa bão xảy ra.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì nghiêm các chế độ trực, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển. Các đơn vị Biên phòng đảm bảo tốt thông tin kịp thời tình hình thời tiết cho các phương tiện hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra vào các cửa sông, cửa biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Lê Quốc Anh cho biết thêm: Trước sự tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Kiên Giang đã và đang tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống công trình, phi công trình nhằm chủ động trong việc phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn tỉnh đầu tư hoàn chỉnh 37 cống thủy lợi trên tuyến đê biển tây và hiện đang triển khai xây dựng 18 cống, hệ thống hồ nước trên các đảo huyện Kiên Hải và thành phố Phú Quốc, hồ trữ nước ngọt vùng U Minh Thượng, xây dựng nhiều công trình kiểm soát mặn ven biển tây tại Rạch Giá, Châu Thành, Kiên Lương, phòng chống sạt lở ven biển…

Với biện pháp phi công trình phòng, chống thiên tai, tỉnh đã hoàn thiện, nâng cao hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai; Kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng, chống thiên tai các cấp; Lập, rà soát và thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, phương án phòng, chống thiên tai… nhất là một số loại hình thiên tai chủ yếu thường xảy ra trong thời gian gần đây và có khả năng xảy ra trong thời gian tới như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông và bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn….

Trong giai đoạn từ nay đến 2025, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục dành hơn 1.220 tỉ đồng đề thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, gắn với xây dựng nông thôn mới.

PL