Khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

Lã Thị Thúy Hằng
Tết Nguyên đán là thời điểm các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm được dịp trà trộn vào hàng có chất lượng. Do đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm để phòng chống ngộ độc.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, nhiều người thường có thói quen bỏ những loại thực phẩm mua dư vào tủ lạnh. Tuy nhiên mỗi loại thực phẩm sẽ có một cách bảo quản khác nhau. Do đó, nếu muốn phòng tránh ngộ độc thực phẩm thì cần biết cách bảo quản thực phẩm đúng và an toàn.

a1-1671424431.jpeg

Mỗi loại thực phẩm sẽ có một cách bảo quản khác nhau. Ảnh: internet.

Bảo quản thực phẩm đúng và an toàn

Người dân cần lưu ý khi mua những thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao. Một trong những cách phòng tránh ngộ độc là lưu ý khi mua và chế biến các loại thực phẩm nguy cơ cao gây ngộ độc, như hải sản, rau và hoa quả tươi... Theo VFA, các loại hải sản, rau, thịt tươi sống đều có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Ví dụ, thịt heo, thịt bò sống có thể nhiễm khuẩn salmonella, E. coli, yersinia và nhiều loại vi khuẩn khác.

Thực tế, người dân thường có thói quen bỏ tất cả loại thực phẩm mua thừa vào tủ lạnh. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, mỗi loại thực phẩm sẽ có một cách bảo quản khác nhau. Do đó, nếu muốn phòng tránh ngộ độc thực phẩm, VFA khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ. Từ đó, biết cách bảo quản thực phẩm đúng và an toàn.

Khi chế biến thực phẩm, cần đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn nguyên liệu. Cụ thể, người dân nên chọn những loại thực phẩm tươi ngon và bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Cơ quan này cảnh báo những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật thường rất dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt vào những ngày thời tiết nóng bức.

Trong bối cảnh không có điều kiện ăn tại nhà, việc lựa chọn quán ăn, nhà hàng phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu cũng cần đặc biệt thận trọng khi ăn, uống bên ngoài. Người dân có thể chọn những hàng, quán quen, có bếp ăn, cảm quan sạch sẽ. Ngoài ra, bát đĩa, đồ dùng được giữ sạch và thức ăn cũng được chế biến cẩn thận.

VFA khuyến cáo, khi đi du lịch, người dân cần cẩn trọng để tránh ngộ độc thực phẩm, nhất là khi du lịch ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Một số cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch là chuẩn bị các loại đồ khô, thực phẩm đóng gói và tiệt trùng.

Nên ưu tiên lựa chọn các loại thức ăn nóng và nấu chín. Đồng thời, nên tránh ăn các loại đồ tươi sống, hạn chế ăn thức ăn đường phố và những trái cây bóc vỏ được bày bán sẵn.

5 bước cơ bản trong an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vi khuẩn có thể sống và phát triển tốt nhất ở điều kiện ấm, ẩm cũng như môi trường giàu protein (pH trung tính hoặc kiềm). Trường hợp ngoại lệ là một số vi khuẩn có thể phát triển nhanh ở nhiệt độ cực nóng hoặc cực lạnh. Một số khác có thể sống sót trong điều kiện axit hoặc rất mặn. Vi khuẩn phát triển nhanh nhất ở trong dải nhiệt độ từ 4 - 60 độ C.

Dải nhiệt độ này được gọi là vùng nguy hiểm. Đây là thời điểm tối ưu cho các vi sinh vật phát triển mạnh. Trong vòng 2 giờ ở nhiệt độ 4 - 60 độ C, vi khuẩn có thể được sinh sôi bằng cách nhân đôi lên hàng triệu lần.

Thông tin trên Báo Giáo dục & Thời đại, TS Hồ Thu Mai - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City - cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra 5 bước cơ bản để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong đó, cần rửa tay sạch trước và sau khi chế biến thực phẩm, sau khi đi vệ sinh. Rửa sạch tất cả dụng cụ đựng và chế biến thực phẩm, vệ sinh bếp sạch sẽ. Giữ cho khu vực bếp và thức ăn không có côn trùng và động vật lại gần.

Đồng thời, để riêng thực phẩm sống và chín, các loại thịt, gia cầm và thủy hải sản với thực phẩm khác. Sử dụng riêng dao thớt cho thực phẩm sống và chín. Bảo quản thực phẩm sống và chín trong những đồ chứa riêng.

Bên cạnh đó, cần nấu chín kỹ thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, gia cầm và thủy hải sản. Đun sôi thức ăn lỏng. Với thịt và gia cầm, cần nấu chín để không còn màu hồng. Lưu ý, thực phẩm sau khi bảo quản cần đun sôi lại trước khi ăn.

Về vấn đề bảo quản thực phẩm, người dân không nên để thức ăn ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Lưu ý, cần bảo quản thức ăn chín hoặc dễ hỏng ở nhiệt độ dưới 5 độ C. Giữ thức ăn đã nấu ở nhiệt độ 60 độ C trước khi ăn. Không bảo quản thức ăn quá lâu kể cả trong tủ lạnh. Đồng thời, không được rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng.

Ngoài ra, việc sử dụng nước sạch và thực phẩm an toàn cũng là yếu tố quan trọng. Người dân cũng được khuyến cáo sử dụng thực phẩm tươi và an toàn. Lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn an toàn như sữa tươi tiệt trùng. Rửa sạch rau, củ và quả chín dưới vòi nước chảy, đặc biệt với những loại ăn sống. Không sử dụng thực phẩm quá hạn.

L.Hằng