Khu vực phía Nam ghi nhận 117 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ

Đặng Thu Hằng
Theo thông tin tại hội nghị tổng kết phòng chống dịch khu vực phía Nam diễn ra ngày 22/12, có10/20 tỉnh phía Nam đã có ca mắc đậu mùa khỉ.

Theo thống kê của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, trong năm 2023 ở khu vực phía Nam, các bệnh ngừa được bằng vaccine như COVID-19, cúm, sốt xuất huyết ổn định và có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh dại tăng ở một số tỉnh miền Đông Nam bộ; dịch tay chân miệng gia tăng số ca mắc, chủ yếu là type EV71.

dichbenh-1703239139.jpeg

PGS. TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Từ tháng 11/2023, số ca mắc mới trên địa bàn Thành phố tăng nhanh.

Ngoài ra, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở nhóm nguy cơ cao tại Việt Nam. Theo đó, tính đến nay tại 10 tỉnh, thành khu vực phía Nam ghi nhận 117 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Số ca bệnh được phát hiện đầu tiên nhiều nhất ở Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh. Viện đã giải trình từ 12 mẫu từ ca mắc đậu mùa khỉ, kết quả kiểu gen C, thuộc clade IIb (gây dịch từ năm 2022 đến nay).

Cùng với đậu mùa khỉ, tại khu vực phía Nam, trong năm 2023 ghi nhận sự gia tăng của bệnh tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy. Trong khi đó, các bệnh sốt xuất huyết, COVID-19, bệnh dại, thương hàn, các bệnh truyền nhiễm có vaccine khác… có xu hướng giảm. Riêng số ca mắc mới HIV tương đương với năm 2022, chủ yếu tập trung ở các đối tượng nguy cơ cao và có xu hướng tăng ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, độ tuổi mắc ngày càng trẻ.

anh-chup-man-hinh-2023-12-22-luc-165726-1703239057.png
Ảnh minh hoạ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá, tại khu vực phía Nam, các đơn vị y tế đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân như: Công tác giám sát phát hiện ca bệnh được triển khai đầy đủ, từ sớm, từ xa; hoạt động điều trị được đẩy mạnh từ tuyến Trung ương đến cơ sở thông qua công tác chỉ đạo tuyến hỗ trợ chuyên môn trực tiếp và trực tuyến hàng tuần; các tuyến y tế dự phòng tích cực và chủ động điều tra, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bùng phát rộng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đơn vị cũng gặp khó khăn, thách thức như: Nguồn kinh phí đầu tư, giải ngân cho hoạt động giám sát, điều tra đáp ứng dịch, xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị gặp nhiều vướng mắc. Các địa phương còn tâm lý e dè trong chủ động mua sắm hóa chất, sinh phẩm, thuốc điều trị đặc hiệu; thiếu mức chi, định mức kỹ thuật dẫn tới các hoạt động phòng, chống dịch thường xuyên bị ngưng trệ...

Thứ trưởng Bộ y tế dự báo, năm 2024 tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam còn diễn tiến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân; trong đó, bệnh đậu mùa khỉ dự đoán tiếp tục ghi nhận ca mắc mới trên nhóm nguy cơ cao.

Do đó, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 sắp tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, hoạt động như chú trọng việc về kinh phí, định mức chi cho hoạt động phòng chống dịch và mua sắm tại mỗi địa phương; giám sát phát hiện kịp thời ca bệnh để đáp ứng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch…

TH