"Không thể coi toàn tỉnh Hải Dương là vùng dịch"

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao 1 mức để ngăn chặn, bởi Hải Dương là đầu mối giao thông, liên quan đến nhiều địa phương. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tỉnh lân cận thực hiện “ngăn sông, cấm chợ”.

Hiện nay, các địa phương đang có sự lầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới “ngăn sông cấm chợ”. Do vậy, Bộ Y tế cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, để các địa phương áp dụng thống nhất. Việc thông tin về dịch bệnh không được làm nhẹ đi, mà cũng không được thổi phồng lên, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, thậm chí là tạo ra tâm lý “kỳ thị với Hải Dương”.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương, tính đến hết ngày 19/2, toàn tỉnh ghi nhận 591 ca mắc COVID-19, tăng 15 ca so với ngày 18/2, trong đó: 7 trường hợp mắc mới, 8 trường hợp là F1 tại Chí Linh được Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương  xét nghiệm ngày 10/2/2021.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 5 ổ dịch lớn: Chí Linh 309 ca, Cẩm Giàng 89 ca, Kinh Môn 71 ca, Nam Sách 30 ca và ổ dịch mới tại TP Hải Dương 27 ca.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương cho biết, hiện tỉnh Hải Dương đang điều trị cho 475 bệnh nhân, 114 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Hiện nay Hải Dương chỉ còn Cẩm Giàng, Chí Linh là khu vực phong tỏa, TP Hải Dương phải theo dõi sát và một số khu phong tỏa thôn, khu dân cư chứ không phải cả tỉnh Hải Dương là vùng dịch.

DDN_1776
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Tổ công tác chống dịch của Bộ Y tế báo cáo trực tuyến với Ban Chỉ đạo. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác chống dịch của Bộ Y tế tại Hải Dương cho biết, từ ngày dịch COVID-19 xuất hiện tại địa phương (ngày 27/1) đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 580 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, 2 ổ dịch lớn là Công ty POYUN Việt Nam (Khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh) và ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng.

Ngay từ đầu, ổ dịch Công ty POYUN đã được “đóng băng, khoá chặt”. Toàn bộ công nhân của công ty đã được đưa đi cách ly ngay trong đêm, ngày hôm sau đã cách ly xã hội TP Chí Linh. Những ngày gần đây các ca nhiễm mới ở TP. Chí Linh đều là các trường hợp F1, đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Đáng chú ý, nguồn lây nhiễm ở huyện Cẩm Giàng chưa được làm sáng tỏ. Ngay khi phát hiện 10 ca mắc COVID-19 vào ngày 5/2, xét thấy tính chất phức tạp của vùng dịch, tỉnh Hải Dương nhanh chóng quyết định phong tỏa Cẩm Giàng để chống dịch, đồng thời giúp giảm nguy cơ lớn cho các địa phương khác trong cả nước.

Từ 2 ổ dịch lớn tại TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng đã làm làm liên quan dịch tễ đến 10 huyện khác trong tỉnh với các mức độ khác nhau, tùy theo vị trí giáp ranh với 2 ổ dịch (huyện Gia Lộc phát hiện 1 ca, huyện Thanh Miện 1 ca, Tứ Kỳ 1 ca, Thanh Hà 3 ca, Kim Thành 5 ca, huyện Nam Sách 29 ca, huyện Kinh Môn 64 ca…). Trước quyết định thực hiện cách ly toàn xã hội toàn tỉnh Hải Dương theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 16/2.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng đánh giá cao nỗ lực của Hải Dương và lực lượng quân đội trong việc tổ chức cách ly khẩn cấp cho khoảng 2.500 người trong đêm. Đây là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong việc tổ chức cách ly trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, do thời gian đầu điều kiện cách ly tập trung còn khó khăn, biến thể mới lây lan nhanh nên việc lây nhiễm trong khu cách ly là có khả năng xảy ra, nhưng quan trọng là chúng ta đã khoanh được.

Hồng Đức