Khôi phục các biện pháp phòng chống dịch trước nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại

Lã Thị Thúy hằng
Theo số liệu của WHO, trong nửa tháng trở lại đây, số ca COVID-19 toàn cầu tăng 30% mặc dù tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng (chủ yếu nhờ vaccine) đã giúp tỷ lệ nhập viện và tử vong giảm.

Hiện tại, do số ca mắc COVID-19 toàn cầu gia tăng, trong đó các biến thể phụ của SAR-COV-2 ngày một nhiều, nhất là các biến thể Omicron gây nguy hiểm như BA.4, BA.5. Do đó, ngày 13/7/2022, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các cơ quan chức năng khôi phục các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, bao gồm tiêm vaccine, đeo khẩu trang, khử khuẩn và giãn cách...

Gần 3 năm kể từ khi COVID-19 bùng phát và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp đối với COVID-19 vào ngày 30/1/2020. WHO cho rằng dịch bệnh này vẫn là vấn đề đáng lo ngại với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong thông cáo phát đi ngày 12/7/2022, Ủy ban Khẩn cấp của WHO cho biết, COVID-19 vẫn là vấn đề y tế toàn cầu khi số ca nhiễm vẫn tăng, virus vẫn lây lan và gây sức ép lên hệ thống y tế của nhiều nước, lây lan rất nhanh.

Biến thể Omicron có nguy hiểm không?

Biến thể Omicron là biến thể của virus Sars-Cov-2 gây bệnh COVID-19. WHO xác định đây là một biến thể đáng lo ngại, bởi dựa trên những bằng chứng nghiên cứu cho thấy biến thể này có một số đột biến làm thay đổi hành vi của chúng.

Theo một số nghiên cứu, biến thể Omicron thường ít gây bệnh nghiêm trọng hơn so với nhiễm các biến thể trước đó, tuy nhiên, mức độ lây lan nhanh, cao hơn chủng Delta gấp 500 lần. Chủng Omicron xuất hiện trong bối cảnh "bình thường mới" được thiết lập, người dân cơ bản được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ, mặc dù vậy những bệnh nhân có tiền sử bệnh nền, các bệnh tự miễn, người suy giảm miễn dịch… vẫn có nguy cơ trở nặng phải điều trị tích cực, thậm chí tử vong.

Nếu may mắn khỏi bệnh, những đối tượng nguy cơ vẫn phải chịu những di chứng hậu COVID-19 nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Cần lưu ý là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người bệnh đang điều trị ung thư… là những đối tượng yếu thế, dễ diễn tiến nặng và tử vong nếu mắc COVID-19 biến chủng Omicron, đặc biệt là biến chủng BA.4, BA.5.

Nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, thế giới đang đứng trước 4 thách thức cần được giải quyết nếu không muốn chứng kiến một làn sóng COVID-19 bùng phát dữ dội trong thời gian tới.

Đầu tiên, tỷ lệ xét nghiệm đã sụt giảm đáng kể tại nhiều quốc gia. Vấn đề này sẽ khiến các chính phủ không có cái nhìn tổng thể về tình hình dịch bệnh tại đất nước mình và qua đó không thể đưa ra các biện pháp hợp lý và kịp thời để ngăn ngừa dịch bùng phát, cũng như làm giảm thiểu các ca bệnh nặng dẫn đến tử vong.

Tiếp đó, các phương pháp điều trị mới chẳng hạn thuốc kháng virus chưa được phân phối đến tay người dân, đặc biệt là tại các nước kém phát triển.

Không chỉ vậy, khi virus phát triển, khả năng bảo vệ của vaccine sẽ suy yếu. Miễn dịch cơ thể suy giảm cho thấy tầm quan trọng của các mũi vaccine nhắc lại và tăng cường, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Thêm nữa, dịch bệnh tạm lắng trong thời gian qua cũng khiến một số nước lơ là trong việc tiêm chủng vaccine tăng cường.

Cuối cùng, các đợt bùng phát mới khiến số người mắc các hội chứng hậu COVID- 19 kéo dài tăng lên, tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế và tình hình kinh tế, xã hội nói chung.

Làm gì để dịch không quay trở lại?

a2-1658136195.jpg

Cần tiêm mũi bổ sung để phòng bệnh.

Vì vậy, để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại, không có cách nào khác là thực hiện theo khuyến nghị của WHO tăng cường các biện pháp phòng bệnh đặc biệt là tiêm vaccine cho mọi đối tượng trong diện tiêm chủng, tiêm nhắc lại và tiêm bổ sung mũi 4 đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm túc đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà, không tụ tập đông người, khi về đến nhà cần rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nếu làm thật tốt những khuyến nghị của chính phủ, ngành y tế và khuyến cáo của WHO thì dịch bệnh rất khó để bùng phát trở lại.

LH