Khẳng định vai trò tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề nhân đạo mang tính toàn cầu

Đặng Thu Hằng
Trong các ngày từ 20-23/11/2023, Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 11 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là lần thứ 2 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự đăng khai tổ chức Hội nghị. Phóng viên Tạp chí Nhân đạo có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Thị Hoà - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về mục đích, ý nghĩa của Hội nghị lần này cũng như vai trò tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề nhân đạo mang tính toàn cầu.

PV: Thưa Chủ tịch, Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 11 (AP-11) với chủ đề “Châu Á - Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm hoạ”. Xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa của chủ đề này?

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Biến đổi khí hậu kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, thảm họa, số lần hứng chịu thiên tai nhiều nhất, số người chết và bị ảnh hưởng cũng lớn nhất, cùng với những tổn thất nặng nề, vượt xa mọi dự báo của đại dịch COVID-19 càng cho chúng ta thấy sự cần thiết phải sẵn sàng trước thảm họa.

Việc lựa chọn chủ đề của Hội nghị “Châu Á - Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm họa” cho thấy sự chủ động cao, sẵn sàng trong mọi tình huống trước thảm họa của khu vực và nhấn mạnh thêm định hướng mới trong quản lý thảm họa, chuyển từ phòng ngừa, ứng phó bị động sang chủ động, chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do thảm họa; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trước những thách thức và cơ hội trong hoạt động nhân đạo; tới xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; hành động sớm dựa vào dự báo, đến lực lượng Tình nguyện viên, thanh niên Chữ thập đỏ, lấy thanh niên làm nhân tố cho sự phát triển, thanh niên truyền cảm hứng thúc đẩy sáng tạo, sẵn sàng trước thảm họa.

anh-ct-hoa-theo-bai-pv-hn-ap-11-1700111008.jpg
Bà Bùi Thị Hoà - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

PV: Thưa Chủ tịch, được biết tại Hội nghị sẽ có các phiên thảo luận chuyên đề. Xin Chủ tịch cho biết các phiên thảo luận sẽ tập trung vào những vấn đề chính nào?

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Tại Hội nghị lần này, ngoài phiên thảo luận toàn thể sẽ có năm hội thảo chuyên đề. Hội thảo thứ nhất với chủ đề “Sẵn sàng ứng phó với thảm họa”. Các phiên thảo luận tại hội thảo này là cơ hội để các Hội quốc gia chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với các thảm họa và khủng hoảng liên quan đến sức khoẻ; xác định các hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng chuẩn bị và ứng phó với thảm họa cho khu vực; thảo luận về tầm quan trọng của việc phối hợp, hợp tác trong việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó của các Hội Quốc gia.

Hội thảo thứ hai với chủ đề “Sẵn sàng trở thành Hội quốc gia bền vững” sẽ tổ chức theo 03 phiên họp. Tại các phiên thảo luận nhóm sẽ chia sẻ các tình huống, bài học thành công hoặc không thành công về 4 dòng thu nhập khác nhau: Quản lý tài sản; Hoạt động tạo thu nhập; Gây quỹ từ doanh nghiệp và cá nhân; Thu hồi chi phí gián tiếp. Ngoài ra, với phiên thảo luận mở sẽ trao đổi về các giải pháp hiện có khác nhau cho những thách thức của phong trào.

Hội thảo thứ ba với chủ đề “Sẵn sàng trở thành các tổ chức đáng tin cậy” tập trung vào nội dung nhằm đảm bảo Hiệp Hội và các thành viên đối tác hoạt động hiệu quả, bền vững, đúng mục đích trong bất cứ thời điểm nào, tăng cường niềm tin và trách nhiệm giải trình. Các Hội quốc gia cần hiểu biết rõ hơn về chính sách, hướng dẫn của Hiệp Hội và cam kết thực hiện một cách thống nhất, đưa ra quyết sách, quyết định minh bạch, quản trị minh bạch đặc biệt về tài chính dựa trên nguyên tắc đa dạng, bình đẳng, lồng ghép giới ở tất cả các cấp độ toàn cầu, quốc gia, cộng đồng; hạn chế hành vi không đúng chuẩn mực, vi phạm quy tắc ứng xử của tổ chức và đảm bảo cơ chế phản hồi.

Hội thảo thứ tư với chủ đề “Sẵn sàng để phối hợp tốt - hỗ trợ lẫn nhau giữa các Hội quốc gia” đặt ra yêu cầu mạng lưới Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ cần phối hợp với nhau để có chung tầm nhìn, với tinh thần tương hỗ lẫn nhau để đạt được hiệu quả hơn trong hoạt động nhân đạo khi đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai, đảm bảo phân bổ nguồn lực phù hợp, đúng nơi đúng chỗ, đúng thời điểm, đúng đối tượng.

Hội thảo thứ năm với chủ đề “Sẵn sàng để phối hợp tốt - Serville 2.0”. Thỏa thuận Serville 2.0 nhằm mục đích đảm bảo phương pháp, cách thức mà Phong trào điều phối hoạt động nhân đạo hiệu quả, đặc biệt trong tình huống khủng hoảng nhân đạo ở quy mô lớn và phải giải quyết nhu cầu nhân đạo kéo dài của người dân, yêu cầu có sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và có tính gắn kết thông qua ứng phó tổng thể của Phong trào.

PV: Xin Chủ tịch cho biết sự chú trọng, quan tâm và vai trò tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đối với các vấn đề thảo luận chung của Phong trào tại Hội nghị lần này?

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Việc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề xuất sáng kiến và vinh dự được Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị AP lần thứ 11 đã khẳng định sự tín nhiệm cao của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đối với Việt Nam nói chung và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nói riêng; là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế nói chung và đối với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nói riêng đối với nhiều vấn đề nhân đạo đang đặt ra hiện nay nhất là vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh và di dân.

Với tư cách là nước chủ nhà Hội nghị lần này, nhiều tháng qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực phối hợp với đại diện Hiệp Hội tại khu vực chuẩn bị các nội dung cho các phiên thảo luận tại Hội nghị. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm tới chủ đề và các hoạt động của Hội nghị vì tính thời sự, tính thiết thực, phù hợp với bối cảnh thực tế và chiến lược của Hội.

Chúng ta hy vọng rằng, lãnh đạo các Hội quốc gia tham dự Hội nghị AP-11 sẽ cùng thảo luận và thống nhất chung về chiến lược trong công tác phòng ngừa, quản lý rủi ro thảm họa trong kỷ nguyên của biến đổi khí hậu và các hiểm họa khác; đồng thời ban hành Kế hoạch hành động Hà Nội với các nội dung trọng tâm xác định một số hành động chính mà chúng ta sẽ cam kết thực hiện cùng nhau để tăng cường sự sẵn sàng của cá nhân và tập thể ứng phó với khủng hoảng trong 4 năm tới. Hợp tác và đoàn kết quốc tế về cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực hoạt động nhân đạo và trong phòng ngừa, ứng phó với thảm họa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Chủ tịch.

Thu Hương