Khả năng miễn dịch tự nhiên từ mắc COVID-19 có hiệu quả tương tự tiêm vaccine

Lã Thị Thúy Hằng
Một nghiên cứu của Viện đánh giá và thống kê y tế (IHME), công bố trên tạp chí y khoa Lancet ngày 17/2, cho biết khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 từ việc bị nhiễm trước đó có hiệu quả tương tự với cách thức tiêm phòng vaccine.
Chú thích ảnh Chuẩn bị mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ tái nhiễm, nhập viện hoặc tử vong giảm 88% trong 10 tháng kể từ khi nhiễm virus. Con số này chứng minh khả năng miễn dịch tự nhiên hiệu quả hơn 2 liều vaccine của hãng Pfizer hoặc Moderna. Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh rằng việc tiêm vaccine vẫn là cách an toàn nhất để có được sự miễn dịch.

Đây là nghiên cứu phân tích toàn diện nhất về khả năng bảo vệ của các hình thức miễn dịch khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã xem xét 65 ca nhiễm tại 19 quốc gia đến tháng 9/2022, bao gồm cả các ca nhiễm khi biến thể Omicron đang hoành hành khắp thế giới, loại biến thể có tốc độ lây lan nhanh hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.

Nghiên cứu chỉ ra rằng trong vòng 10 tháng kể từ khi nhiễm virus, nguy cơ tái nhiễm của người có miễn dịch tự nhiên từ việc nhiễm các biến thể trước Omicron giảm 36% so với người mắc các biến thể dòng phụ ban đầu của Omicron.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy một bức tranh toàn cảnh chính xác hơn về việc dịch COVID-19 sẽ như thế nào trong tương lai, khi những người đã tiêm phòng bị nhiễm virus và đạt được “miễn dịch lai”. Chuyên gia dịch tễ học từ Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi, bà Cheryl Cohen dự báo cũng như với các chủng khác của virus corona đã lây nhiễm cho người, nguy cơ nhập viện theo mùa do SARS-CoV-2 sẽ thấp.

Đồng tác giả nghiên cứu, bà Caroline Stein từ IHME, khẳng định: “Vaccine vẫn đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người trên 60 tuổi và người có các bệnh lý nền”.