Hướng dẫn cách kêu cứu khẩn cấp qua mini app phòng chống thiên tai trên Zalo

Nguyễn Diệp Linh
Tháng 8 này được dự báo là giai đoạn cao điểm mùa mưa, nguy cơ có ít nhất 2 cơn bão, nhiều tỉnh thành tiếp tục xảy ra lũ, lũ quét, ngập úng và sạt lở đất. Một số cách kết nối cứu trợ khẩn cấp qua mini app 'Phòng chống thiên tai Việt Nam' trên Zalo sẽ giúp người dân được ứng cứu nhanh chóng, kịp thời khi bị ảnh hưởng bởi mưa bão.

Người dân chỉ cần truy cập vào Zalo, tìm kiếm từ khóa và chọn mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam”. Lập tức, nhóm tính năng liên hệ khẩn sẽ hiển thị trên giao diện ứng dụng, nổi bật là tính năng “Kết nối cứu trợ” và “Phản ánh thiên tai”.

Giao diện mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trên nền tảng Zalo

Giao diện mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trên nền tảng Zalo

Cách kết nối cứu trợ nhanh chóng

Trong tình huống thiên tai xảy ra, người dân gặp khó khăn như bị chia cắt do mưa lũ, bị cô lập trong tình trạng thiếu lương thực thực phẩm, hoặc đang ở khu vực nguy hiểm cần hỗ trợ từ lực lượng cứu hộ,... người dân thực hiện các bước sau trên mini app:

- Bước 1: Chọn tính năng “Kết nối cứu trợ”.

- Bước 2: Nhập các thông tin họ và tên, số điện thoại, vị trí, thông tin hỗ trợ (y tế, thực phẩm, phương tiện), mô tả chi tiết cứu trợ, và hình ảnh địa điểm cũng như tình trạng đính kèm.

- Bước 3: Chọn nút “Gửi cứu trợ”.

Ngoài những trường hợp cần kết nối cứu trợ cho bản thân, người dùng cũng có thể sử dụng tính năng này để giúp những người xung quanh bị gặp nạn cần “kêu cứu”.

Thông tin cứu trợ của người dân ngay lập tức sẽ được xử lý và chuyển trực tiếp đến các cán bộ phụ trách của khu vực gần nhất. Dựa vào hình ảnh, vị trí của tin báo cứu trợ, các cơ quan chức năng tại địa phương sẽ nhanh chóng nắm thông tin, phân loại cứu trợ và phân bổ lực lượng ứng cứu người dân nhanh chóng.

Hướng dẫn phản ánh thiên tai

Mùa mưa bão thường có nguy cơ xảy ra một số loại hình thiên tai bất thường, khó dự đoán trước như động đất, sạt lở,... Tuy nhiên người dân vẫn có thể nhận biết nguy cơ thiên tai bằng một số dấu hiệu xung quanh khu vực mình sinh sống như xuất hiện vết nứt trên tường nhà, sườn đồi; cây cối, cột điện bị đổ nghiêng; mực nước sông, hồ thay đổi bất thường;...

Trong những tình huống trên, người dân sử dụng tính năng “Phản ánh thiên tai” để cấp báo đến cơ quan chức năng về tính trạng, nguy cơ tiềm ẩn hoặc tình hình thiên tai tại khu vực. Cụ thể qua các bước dưới dây:

- Bước 1: Tại giao diện chính mini app, chọn tính năng “Phản ánh thiên tai”.

- Bước 2: Nhập các thông tin họ và tên, số điện thoại, vị trí, loại hình thiên tai (mưa, bão, lũ, sạt lở, động đất…), mô tả chi tiết và hình ảnh đính kèm.

- Bước 3: Chọn nút “Gửi phản ánh”.

Với tính năng này, các thông tin phản ánh từ người dân sẽ giúp chính quyền và cơ quan chức năng nhanh chóng có phương án ứng phó hoặc khắc phục hậu quả do thiên tai xảy ra, đảm bảo sự an toàn cho đời sống của người dân.

Chủ động giảm thiểu thiệt hại

Bên cạnh nắm được những cách liên hệ cứu trợ và phản ánh thiên tai đến cơ quan chức năng, sự chủ động ứng phó của người dân là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Do đó, nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức, nắm rõ dấu hiệu nhận biết và cách ứng phó của từng loại hình thiên tai, mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” còn được trang bị tính năng “Tìm hiểu thiên tai”. Khi người dùng ấn chọn tính năng này, danh sách 22 loại hình thiên tai phổ biến ở nước ta sẽ được hiển thị trên màn hình.

Tính năng “Tìm hiểu thiên tai” được thiết kế sinh động, dễ ghi nhớ

Tính năng “Tìm hiểu thiên tai” được thiết kế sinh động, dễ ghi nhớ

Ở mỗi loại hình thiên tai, mini app hiển thị các thông tin quan trọng như những việc nên làm và không nên làm của từng đối tượng người dân trong thiên tai, hướng dẫn chi tiết từng kỹ năng ứng phó trước, trong và sau mỗi loại hình thiên tai,... với nội dung được biên soạn dễ hiểu cùng hình ảnh sinh động. Đặc biệt, tính năng cũng hỗ trợ các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được xem là điểm sáng của mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” vì tính cộng đồng, lan tỏa tinh thần toàn dân đoàn kết chiến đấu với thiên tai.

Ngoài ra, để chủ động nắm bắt những thông tin nhanh chóng, chuẩn xác nhất về tình hình thiên tai, người dân nên thường xuyên truy cập vào tính năng “Thông tin thiên tai” của mini app. Tại đây, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai sẽ cập nhật liên tục những thông tin mới về diễn biến thời tiết và cách ứng phó đến người dân.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, từ đầu tháng 8, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập lụt tại các khu vực trũng, thấp. Cũng trong tháng 8, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện từ 2-3 cơn trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến nước ta.

Do đó, người dân cần đề phòng và liên tục theo dõi thông tin thời tiết, thông báo về diễn biến mưa bão qua những kênh như mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trên Zalo để chủ động ứng phó và liên hệ khẩn cấp để được ứng cứu, hỗ trợ kịp thời.

Mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) phát hành trên nền tảng Zalo. Với nhiều tính năng thiết thực: Liên hệ khẩn cấp, Kết nối cứu trợ, Tìm hiểu thiên tai, Thông tin thiên tai,... mini app “Phòng chống thiên tai” góp phần giúp người dân chủ động phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Người dùng có thể trực tiếp sử dụng mini app tại đây.

P.V