Trong những ngày qua, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, mưa lớn kèm dông lốc đã làm cho 4 người bị thương, khiến nhiều cây xanh bị đổ ngã và gây thiệt hại 347 căn nhà của người dân tại các huyện trên địa bàn, gây thiệt hại gần 9,5 tỷ đồng. Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng và huy động lực lượng dọn dẹp, sửa chữa lại nhà cửa cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có công văn về việc chi hơn 2,4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai cho các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Cái Nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các huyện chịu trách nhiệm về đối tượng hỗ trợ, tính chính xác của việc xác định mức độ thiệt hại; thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định. Khẩn trương chỉ đạo thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân.
Mưa dông và lốc xoáy cũng đã làm 13 người bị thương ở Kiên Giang. Cùng với đó, mưa lớn khiến 89 ngôi nhà sập, 446 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, đồng thời gây hư hại 3.869ha lúa và 184,8ha hoa màu bị ngập. Hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết; 12ha thủy sản thiệt hại nặng. Sạt lở cũng gây ách tắc tại nhiều tuyến đường giao thông.
Nhằm hỗ trợ người dân bị thiệt hại nặng nề do mưa kèm dông lốc tại tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp bước đầu 400 triệu đồng. Theo đó, nguồn lực hỗ trợ phân bổ cho tỉnh Cà Mau là 150 triệu đồng, tỉnh Kiên Giang là 250 triệu đồng. Mỗi gia đình là hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn không may bị đổ, sập nhà nhận hỗ trợ 5 triệu đồng, tương ứng có 80 hộ gia đình được hỗ trợ.
Tại Tiền Giang, trong 7 tháng đầu năm nay, địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 cơn lốc xoáy làm hư hỏng, sập 244 căn nhà, đổ ngã cây ăn trái, ngập úng gây thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Riêng sạt lở ven sông, ven biển từ năm ngoái đến nay, địa phương xảy ra 204 điểm sạt lở, chiều dài khoảng 21km, ước kinh phí khắc phục cần hơn 315 tỷ đồng. Sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương đã hỗ trợ người dân khẩn trương khắc phục hiện trường, ổn định cuộc sống. Tỉnh đã thành lập 172 đội thanh niên xung kích ở 172 xã, phường, thị trấn; mỗi xã thành lập 1 tiểu đội, mỗi huyện thành lập một trung đội và tỉnh thành lập 1 đại đội tìm kiếm, cứu nạn. Công tác ứng phó với hạn mặn đã phát huy hiệu quả và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.
Tính đến trưa ngày 2/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, mưa lũ đã làm ngập, ảnh hưởng 159 căn nhà; ngập úng khoảng 360ha cây trồng các loại, trên 150ha ao nuôi thủy sản bị ngập, tràn bờ. Một người dân tại xã Nam Bình (huyện Đắk Song) thiệt mạng do mưa lũ…
Trong những ngày tới, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra; huy động các lực lượng tại chỗ giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất, chủ động công tác hỗ trợ từ quỹ phòng, chống thiên tai, ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh để tổng hợp, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Nhiều nhà bị sập do dông lốc ở Cà Mau. (Ảnh: Tấn Thái).
Còn tại Bạc Liêu, mưa lớn nhiều ngày liền đã làm cho hơn 1.000ha lúa chín đã đến ngày thu hoạch bị đổ ngã, ước tỷ lệ thiệt hại từ 30 - 50%. Mưa dầm còn khiến hơn 31.000ha lúa Hè Thu muộn bị nước ngập sâu gần tới cổ bông; diện tích lúa này dự báo sẽ tiếp tục đổ ngã trong những ngày tới khi nước trên đồng hạ thấp. Hiện tại ở nhiều cánh đồng lúa chín, nông dân gặp khó khăn trong thu hoạch do mưa dầm, nước ngập.
Để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về sản xuất, tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương mở các cống ngăn mặn dọc theo tuyến quốc lộ 1A để xả nước mưa ra biển cứu lúa. Đồng thời, vận động bà con chủ động khơi thông bờ bao, xả nước để chống ngập úng, huy động lao động, máy móc thiết bị thu hoạch nhanh trà lúa Hè Thu cũng như vận động thu mua lúa người dân vừa thu hoạch kịp thời.
Trong khi đó ở phía Bắc, do mưa lớn kéo dài rất có nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, đặc biệt các huyện, thành phố gồm: Đà Bắc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Mai Châu, Tân Lạc, TP. Hòa Bình (Hòa Bình); Bá Thước, Hà Trung (Thanh Hóa).
Hiện các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành, bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra…
Yến Nhi