Hơn 150 y bác sĩ tiến hành 8 ca ghép tạng ngày 30 Tết

Đặng Thu Hằng
Ngay 30 Tết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã huy động hơn 150 y bác sĩ cùng các chuyên gia tiến hành tổ chức lấy-ghép 8 mô tạng gồm: tim, gan, thận, thận-tụy, 2 tay, 2 giác mạc (trong đó có 2 tạng lần đầu thực hiện tại bệnh viện là ghép tim và ghép tụy-thận), đồng thời lấy phổi điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương ghép.

Đây là ca lấy và ghép đa tạng từ người cho chết não lần thứ 5 được thực hiện tại Bệnh viện 108. Trong ngày 9/2, bệnh viện đã tổ chức lấy và ghép 8 mô tạng, trong đó có hai tạng lần đầu thực hiện tại bệnh viện là ghép tim và ghép tụy - thận, đồng thời lấy phổi điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương.

Người hiến mô tạng là bệnh nhân nam 26 tuổi bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Các y bác sĩ đã nỗ lực điều trị, hồi sức tích cực, song may mắn đã không đến. Sau ba ngày điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán chết não. Gia đình bệnh nhân đã đồng ý hiến mô, tạng để cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo khác.

20240210071758-sk-1707550272.jpg
Các y bác sĩ thực hiện ca lấy đa tạng từ bệnh nhân chết não. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chiều 8/2 (tức 29 Tết), bệnh viện đã khẩn trương hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành để xây dựng kế hoạch lấy - ghép đa mô, tạng bảo đảm an toàn, khoa học và tuân thủ đúng các quy định.

Thiếu tướng Lê Hữu Song, Giám đốc bệnh viện, cho biết đối với cuộc "đại phẫu thuật" lần này, bệnh viện chủ động hoàn toàn về công tác tổ chức, điều phối và thực hiện. Bệnh viện đã huy động hơn 150 y bác sĩ cùng các chuyên gia tiến hành lấy - ghép đồng thời các mô, tạng và tổ chức hậu sự cho người bệnh chết não.

Ông Song cho biết trong số các ca ghép trên, ghép đồng thời tụy - thận được đánh giá là kỹ thuật phức tạp nhất. Ghép tụy là một kỹ thuật ngoại khoa phức tạp đòi hỏi sự đánh giá, chuẩn bị kỹ lưỡng trước ghép về chỉ định và sự phù hợp giữa người cho và người nhận. Bất cứ sai sót nhỏ nào khi phẫu thuật tụy có thể ảnh hưởng rất lớn tới các tạng khác và nguy hiểm cho người nhận. Đặc biệt, bệnh nhân phải trải qua quá trình hậu phẫu (điều trị và theo dõi sau ghép) rất phức tạp với nhiều nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra.

anh-chup-man-hinh-2024-02-09-l-4269-4870-1707491305-1707550272.png
Y bác sĩ mặc niệm bệnh nhân trước khi tiến hành lấy đa tạng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Để chuẩn bị cho ca ghép này, các đơn vị trong bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt nhất đối với người hiến cũng như người nhận", ông Song nói, thêm rằng bệnh nhân nhận tụy - thận đã được điều trị và theo dõi liên tục tại bệnh viện trong hơn một năm nay bảo đảm luôn sẵn sàng ghép khi có nguồn hiến.

Các ca ghép được thực hiện thành công. Chiều 30 Tết, những nhịp tim đầu tiên ở người nhận tim đã chạy trên màn hình theo dõi liên tục (monitor), cùng với các mô, tạng khác đang dần hồi sinh trong cơ thể của các bệnh nhân trong niềm hạnh phúc của thầy thuốc và gia đình.

"Có thể đây là ngày 30 Tết chỉ xảy ra một lần trong đời đối với người thầy thuốc như tôi, kết thúc năm cũ để tiếp nối một năm mới, bắt đầu với nhiều cuộc đời được tái sinh", Thiếu tướng Phạm Nguyên Sơn, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện, nói.

PV