Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Sẵn sàng ứng phó với thiên tai, thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu

Đặng Thu Hằng
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực xảy ra nhiều loại hình thiên tai nhất trên thế giới, chỉ tính riêng trong năm 2022 đã có khoảng 140 thảm họa tác động đến khu vực làm hơn 7.500 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến 64 triệu người và gây thiệt hại kinh tế ước tính vào khoảng 57 tỷ USD.

Các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra sẽ dẫn đến mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương so với những gì từng được ghi nhận trước đây. Trong báo cáo “Thảm họa châu Á - Thái Bình Dương năm 2023” của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) cho thấy, những thiệt hại hàng năm trong tương lai tại khu vực này có thể lên tới gần 1 nghìn tỷ USD, nếu tình trạng ấm lên toàn cầu chạm ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chỉ với mức nóng lên 1,5 độ C, 85% dân số của khu vực này sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nguy hiểm, điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lương thực và an ninh năng lượng.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia 2020 (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021), gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến gia tăng rủi ro đối với các ngành/lĩnh vực, các khu vực và các đối tượng dễ bị tổn thương. Nếu mực nước biển gia tăng 100 cm và không có các biện pháp ứng phó hiệu quả, có khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 17,8% diện tích thành phố Hồ Chí Minh và 38,9% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập, dẫn đến mất đất canh tác, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước cho sản xuất công nghiệp và phục vụ cho sinh hoạt (do bị nhiễm mặn).

hoi-chu-thap-do-tinh-quang-nam-phoi-hop-voi-ubnd-xa-tra-dong-bac-tra-my-to-chuc-hoat-dong-dien-tap-phong-chong-giam-nhe-rui-ro-thien-tai-nam-2023-anh-vinh-anh-1700475606.jpg
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND xã Trà Đông (Bắc Trà My) tổ chức hoạt động diễn tập phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2023. Ảnh: Vinh Anh.

Nhằm giảm thiểu các tác động đến xã hội, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách, chương trình, hành động về biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai thực hiện như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định cụ thể về việc ứng phó với biến đổi khí hậu; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: Cần phải chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 đặt ra mục tiêu “Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế”.

Để cụ thể hoá các mục tiêu của Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bằng các giải pháp, hành động cụ thể và can thiệp toàn diện nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất đến con người, tài sản và hạ tầng trong đó có ưu tiên các hành động sớm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi mô hình giảm thiểu rủi ro theo xu thế dựa vào tự nhiên dần dần thay thế cho các can thiệp truyền thống.

Khủng hoảng khí hậu và suy thoái môi trường là những rủi ro đáng lo ngại đối với nhân loại. Những thay đổi về khí hậu và môi trường đã góp phần làm tăng tần suất, cường độ và tính khó lường của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng tới sức khỏe và làm suy giảm đa dạng sinh học. Những vấn đề đan xen này đang làm tăng mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương; gia tăng các rủi ro liên quan đến khí hậu ở các thành phố và các khu vực vốn đang phải gánh chịu xung đột bạo lực, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sinh kế, sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của những người bị ảnh hưởng.

Chiến lược của Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đến năm 2030 trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu là tích hợp quản lý rủi ro khí hậu – bao gồm thích ứng và giảm thiểu – trong tất cả các chương trình, hoạt động và công tác vận động chính sách, đồng thời áp dụng quản lý môi trường chặt chẽ hơn trong các phương pháp tiếp cận riêng để giải quyết mức độ phơi nhiễm và tình trạng dễ bị tổn thương.

Hiệp Hội sẽ đặc biệt tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gây ra tình trạng dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực: Sinh kế, tình trạng thiếu lương thực, sức khỏe và sự dịch chuyển liên quan đến khí hậu cũng như trong môi trường đô thị. Các mô hình hành động sớm, dự báo khoa học, đổi mới và các phương pháp sử dụng tài chính có thể cải thiện công tác ứng phó trong tương lai. Hiệp Hội cũng sẽ tăng cường sử dụng Khung phản ứng xanh của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ và nỗ lực nhằm giảm thiểu các dấu chân mà con người để lại gây tác động tới môi trường và khí hậu.

hoi-thao-lay-y-kien-hoan-thien-khung-hanh-dong-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-cua-hoi-chu-thap-do-viet-nam-1700475605.jpg
Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Khung hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với vai trò là tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo sẽ đóng vai trò tích cực trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động phòng ngừa, ứng phó sớm, biến đổi khí hậu đã được đưa vào “Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”; đã đề ra các nhiệm vụ cơ bản, đó là: Xây dựng thành công, chuyển giao và nhân rộng mô hình cộng đồng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với khu vực, vùng miền, loại hình thiên tai; chuẩn bị cơ số tiền hàng dự trữ, trang thiết bị phục vụ hoạt động cứu trợ khẩn cấp trong nước và quốc tế; tổ chức kịp thời, chuyên nghiệp hiệu quả các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ sinh kế, nước sạch vệ sinh, mở rộng các mô hình hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo, hỗ trợ tâm lý sau thiên tai, thảm hoạ, hỗ trợ tiền mặt, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý thảm hoạ.

Chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai, thảm hoạ và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XI, nhiệm kỳ 2022 – 2027 của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tháng 10 năm 2023 Hội đã ban hành “Khung hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giai đoạn giai đoạn 2023 – 2027” là một công cụ hết sức quan trọng để định hướng các hoạt động về ứng phó với biến đổi khí hậu của Hội một cách chủ động, hệ thống, hiệu quả và mang tính chuyên nghiệp.

Hội Chữ thập đỏ các cấp đã triển khai rất nhiều các hoạt động để ứng phó với thiên tai, thảm hoạ và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên xây dựng năng lực cho lực lượng ứng phó các cấp bằng việc củng cố, kiện toàn lực lượng ứng phó các cấp, cụ thể: Với 05 thành viên Đội ứng phó thảm họa cấp khu vực (RDRT) sẵn sàng tham gia hỗ trợ các nước khi có thiên tai khi được Hiệp Hội điều động; 01 Đội ứng phó thảm họa cấp Trung ương (NDRT) với 59 thành viên được tập huấn nâng cao năng lực; 40 Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh (PDRT) với 600 thành viên trong đó có 09 đội ứng phó thảm họa hỗn hợp với sự tham gia của các thành viên từ các ban, ngành, các tổ chức tại địa phương như: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Sở Giáo dục, Sở Y tế, Ban chỉ huy quân sự tỉnh; Đoàn Thanh niên….với 421 đội ứng phó thảm hoạ cộng đồng với trên 10.520 thành viên, trong đó nhiều thành viên là lực lượng chủ chốt của Đội thanh niên xung kích phòng chống thiên tai cấp cơ sở của chính quyền, đáp ứng bước đầu việc thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 9/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

Hiện nay, cả nước có gần 400.000 tình nguyện viên Chữ thập đỏ, trong đó mỗi tỉnh thành đều có ít nhất 01 Đội tình nguyện viên về phòng ngừa và ứng phó thảm họa, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tại các vùng trọng điểm thiên tai thường xuyên được tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng, nghiệp vụ về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm hoạ; đào tạo mới, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho 815 tập huấn viên, hướng dẫn viên trên toàn quốc về quản lý thiên tai, thảm họa, thích ứng với biến đổi khí hậu, sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp, đồng thời trồng, chăm sóc, bảo vệ hơn 24.000 ha rừng ngập mặn, 103 ha tre và 398 ha phi lao bảo vệ đê biển tại 10 tỉnh, thành phố ven biển.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cập nhật điều chỉnh các công cụ phục vụ cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ thích ứng với biến đổi khí hậu như: Quy trình chuẩn trong ứng phó thảm hoạ, Bộ câu hỏi dành cho đánh giá thiệt hại và nhu cầu trong tình huống khẩn cấp; bộ công cụ Kobotoolbox, Red rose, Fbf, Quy trình chuẩn cấp phát tiền mặt và hàng, hướng dẫn thực hiện cộng đồng an toàn… , kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm hoạ hàng năm,…phòng điều hành ứng phó, cơ chế điều hành hệ thống của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai với các tỉnh, thành mà Hội Chữ thập đỏ là thành viên các cấp.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm hoạ là một nhiệm vụ quan trọng trong định hướng hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thời gian tới, bằng các hoạt động cụ thể như: Tăng cường năng lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động ứng phó với thiên tai, thảm hoạ và thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phối hợp với các bên liên quan trong xây dựng kế hoạch cứu trợ sau thiên tai, thảm hoạ và ứng phó với biến đổi khí hậu; duy trì và mở rộng các hoạt động tại các cộng đồng có tính dễ bị tổn thương cao, xây dựng cộng đồng chống chịu, an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ngày càng gia tăng; nâng cao vị thế, vai trò và đóng góp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác quốc tế với phong trào Chữ thập đỏ và các tổ chức khác trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để chủ động ứng phó từ sớm, từ xa với thiên tai, thảm hoạ và các tác động của biến đổi khí hậu, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai mô hình Hành động sớm với các loại hình thiên tai phổ biến như bão, lũ, nắng nóng. Nhân rộng mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai, thảm hoạ bằng các giải pháp dựa vào tự nhiên (NBS), phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu khoa học trong công tác dự báo, cảnh báo sớm, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động từ Trung ương đến cơ sở, chủ động nguồn nhân lực, tiền hàng…chủ động vận động chính sách để vận động nguồn lực, chú trọng công tác truyền thông trong nước và quốc tế, phát huy vai trò, thế mạnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong mạng lưới tổ chức quốc tế trong và ngoài nước.

diem-nghi-ngoi-tranh-nang-hanh-dong-som-ung-pho-voi-nang-nong-cua-hoi-chu-thap-do-viet-nam-theo-mo-hinh-fbf-1700475605.jpg
Điểm nghỉ ngơi tránh nắng- Hành động sớm ứng phó với nắng nóng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam theo mô hình FBF.

Với phương châm chuyển đổi từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ưu tiên các hành động sớm dựa trên các dự báo, cảnh báo tác động, xây dựng năng lực cho hệ thống kết hợp các kinh nghiệm quốc tế, các chương trình, dự án, kinh nghiệm phong trào, vận động chính sách, nguồn lực ưu tiên các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai thảm hoạ sẽ giúp cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẵn sàng ứng phó với thiên tai, thảm hoạ và thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt được những thành tựu trong mục tiêu xây dựng các cộng đồng tại Việt Nam ngày càng an toàn hơn, vững vàng và chủ động hơn trước các tác động của thiên tai, thảm hoạ và biến đổi khí hậu.

Trần Sĩ Pha