Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao và sự chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã tham mưu, phối hợp xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng. Đáng chú ý là, để tạo hành lang pháp lý cho phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực thi pháp luật trên biển, lực lượng Cảnh sát biển đã tham mưu ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Nghị định số 61/2019/NĐ-CP, ngày 10/7/2019 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam”; trong đó, quy định rõ hoạt động phối hợp của Cảnh sát biển với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ký quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động với 03 đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng; 08 đầu mối thuộc các bộ, ngành và cơ quan ngang bộ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ký 75 quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với đơn vị thuộc lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường,… của nhiều tỉnh, thành phố ven biển.
5 năm gần đây, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp trao đổi với các lực lượng hơn 14.300 tin liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; tham gia ý kiến vào hàng chục dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, lực lượng phối hợp chủ trì soạn thảo. Phối hợp hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, pháp luật cho gần 2.000 lượt cán bộ, nhân viên; tổ chức hơn 1.230 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hàng trăm nghìn lượt người dân. Các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã đảo, huyện đảo tổ chức hàng trăm buổi thông tin tình hình tội phạm, vi phạm và đề xuất, kiến nghị với địa phương nội dung, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Cùng với lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý gần 1.000 vụ án ma túy và hơn 100 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên biển với tổng giá trị hàng hóa thu giữ trị giá hàng trăm tỉ đồng.
Đặc biệt, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Cảnh sát biển Việt Nam đã tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết nhiều bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, nghị định thư, ý định thư với lực lượng thực thi pháp luật của các nước, nhất là các nước có chung đường biên giới, ranh giới trên biển, như: Trung Quốc, Indonesia, Campuchia, Philippines, Malaysia,… cùng nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật, vị thế, uy tín của Cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Kết quả trên góp phần quan trọng tạo sức mạnh tổng hợp cả về lực lượng, thế trận và pháp lý; kịp thời ngăn chặn, trấn áp hoạt động của các loại tội phạm; xử lý đúng pháp luật, nhanh chóng, hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trên biển; góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển các ngành kinh tế biển và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển với các lực lượng cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhất là nội dung phối hợp của một số đơn vị còn đơn giản. Nhận thức về vai trò công tác phối hợp của người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi chưa toàn diện. Việc cụ thể hóa các quy định về công tác phối hợp của Nhà nước và vận dụng vào hoạt động thực tiễn chưa thường xuyên, linh hoạt, dẫn đến sự chồng chéo, bị động trong xử lý một số tình huống phức tạp trên biển...
Thời gian tới, dự báo hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật trên các vùng biển, đảo nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở vùng biển Đông Bắc, Tây Nam với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, nguy hiểm, khó phát hiện và khó xử lý hơn. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển với các lực lượng, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công tác phối hợp theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Nghị định số 61/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Trong tình hình mới, công tác phối hợp của Cảnh sát biển với các lực lượng chức năng trên biển không chỉ là nhiệm vụ mà còn là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan. Vì vậy, Cảnh sát biển Việt Nam tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.