Phù hợp, kịp thời
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có hơn 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội; hơn 100.000 thành viên sống trong các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo; gần 13.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Đa số trường hợp này cần sự trợ giúp về nhiều mặt. Hơn nữa, Hà Nội tập trung nhiều dân cư từ nơi khác đến sinh sống, học tập, làm việc, chữa bệnh... Thế nên, vẫn còn đâu đó những người phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thậm chí lang thang trên đường phố; có những bệnh nhân nghèo đứng trước lằn ranh sinh, tử mà gia đình không đủ khả năng chữa trị cho họ…
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ngoài sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn Thủ đô luôn hành động với tinh thần “ở đâu có người gặp khó, ở đó có sự trợ giúp kịp thời”. Nguồn trợ giúp hướng đến mục tiêu tạo điểm tựa, động lực để đối tượng tiếp nhận vượt qua khó khăn trước mắt, từng bước ổn định cuộc sống về lâu dài, nên tùy từng trường hợp mà họ nhận được sự quan tâm khác nhau.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, các cấp hội vận động, huy động nguồn lực thường xuyên, song thường tập trung cao điểm vào Tháng Nhân đạo (tháng 5 hằng năm) để triển khai các công trình, chương trình, dự án nhân đạo. Thời điểm khác là những tháng cuối năm để chuẩn bị những phần quà dành tặng người nghèo, nạn nhân chất độc da cam/dioxin vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền…
Là tổ chức của người khuyết tật, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội trợ giúp cho hội viên vươn lên bằng cách huy động nguồn lực xã hội để trang bị kiến thức văn hóa, kỹ năng hòa nhập, định hướng nghề nghiệp cho những trường hợp có khả năng học tập, tham gia lao động. Còn những trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng được quan tâm điều trị phục hồi chức năng.
Đáng chú ý, một số mô hình trợ giúp nhân đạo mới hình thành đã được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng, đồng hành. Nổi lên là mô hình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho người gặp khó tiếp cận và được bảo vệ lâu dài bởi lưới an sinh.
Vững điểm tựa
Nhận được sự quan tâm, trợ giúp kịp thời, đa số trường hợp khó khăn có cuộc sống tốt hơn. Chị Lương Hải Yến, chủ cơ sở tẩm quất Ánh Dương tại ngõ 20, phố Long Biên 2, phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) chia sẻ: “Sau khi được hỗ trợ học nghề tẩm quất do Hội Người mù tổ chức, tôi nắm vững kỹ năng nghề, tự tin mở cơ sở kinh doanh. Hiện nay, tôi có nguồn thu nhập đều đặn từ cơ sở tẩm quất, đồng thời kinh doanh thêm một số mặt hàng khác”.
Với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguồn hỗ trợ từ cộng đồng góp phần giúp trẻ có cơ hội phát triển như bạn bè. Bà Thái Thị Nam, trú tại tổ dân phố 36, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) kể, cháu nội của bà là P.L.N.H (sinh năm 2018) phải chịu nhiều thiệt thòi khi bố cháu mất sớm, mẹ cháu bỏ đi. Rất may, trong quá trình P.L.N.H lớn lên, cháu thường xuyên nhận được sự quan tâm cả về vật chất, tinh thần. Gần đây nhất, vào ngày 29-6-2023, cháu nhận được nguồn hỗ trợ khó khăn với số tiền 10 triệu đồng của những tấm lòng nhân ái thông qua Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện nay, do kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân gặp khó khăn, nên các tổ chức không dễ huy động nguồn lực xã hội để trợ giúp nhân đạo. Công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người khuyết tật nảy sinh nhiều vướng mắc do một số ngành, nghề đào tạo không đáp ứng được mong muốn của người học và nhu cầu sử dụng lao động của thị trường việc làm. Một số ngành, nghề được cho là phù hợp lại không tìm được nhà tài trợ để mở lớp đào tạo...
Cùng hành động vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại ở phía sau, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - từ thiện trên địa bàn Hà Nội nỗ lực vượt khó, tập trung vận động, huy động nguồn lực xã hội bằng nhiều cách thức, giải pháp. Nhờ đó, nguồn lực xã hội nhận về đạt những kết quả khả quan.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội nhận về nguồn lực đạt tổng trị giá gần 116 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ những năm trước. Các tổ chức của người khuyết tật, vì người khuyết tật đã, đang hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lượt người. Hội Cứu trợ trẻ em Hà Nội duy trì phòng khám miễn phí cho trẻ khuyết tật tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân khẳng định, nguồn lực trợ giúp xã hội đa dạng và thường xuyên đã, đang góp phần tạo điểm tựa vững chắc cho người gặp khó vươn lên. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thành phố thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao phúc lợi, chất lượng cuộc sống của người dân.