Hà Nội nhận định 10 tình huống thiên tai có thể xảy ra trong năm 2023

Nguyễn Diệp Linh
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có những yếu tố bất thường, cực đoan; các loại hình thiên tai thường xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật.

Dự báo năm 2023, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) có khả năng chịu ảnh hưởng của 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; 6 - 8 đợt mưa lớn diện rộng, tập trung từ nay cho đến tháng 9/2023; cùng nhiều loại hình thiên tai khác như nắng nóng, mưa lớn, dông, lốc, sét…

Trên cơ sở dự báo tình hình thời tiết, Hà Nội đã nhận định 10 tình huống thiên tai có thể xảy ra trong năm 2023. Cụ thể là: Bão mạnh, siêu bão, mưa lớn ngập úng khu vực ngoại thành; Vỡ đê trọng điểm đê, kè Cổ Đô bờ hữu sông Hồng (huyện Ba Vì); Vỡ đê hữu Hồng trọng điểm cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ); Vỡ trọng điểm cống Liên Mạc đê hữu Hồng.

Hà Nội đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp đê kè bảo vệ bờ hữu sông Hồng.Hà Nội đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp đê kè bảo vệ bờ hữu sông Hồng.

Các tình huống thiên tai khác có thể xảy ra là: Vỡ đê kè Xuân Canh - Cống Long Tửu, đê tả Đuống (huyện Đông Anh); Vỡ đê tả Bùi, tả Tích, lũ quét rừng ngang (huyện Chương Mỹ); Vỡ đê sông Mỹ Hà (huyện Mỹ Đức); Vỡ đập, hồ thủy lợi; Động đất và các thảm họa khác (sập đổ công trình, rò rỉ hóa chất…).

Theo đánh giá, TP Hà Nội có diện tích rộng, địa hình đa dạng. Hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng, chống lụt bão đã được đầu tư tu bổ, nhưng nhiều năm qua chưa phải chịu thử thách của mưa, lũ, bão lớn. Do vậy, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong phòng, chống, cứu trợ là hết sức quan trọng.

Để chủ động ứng phó nguy cơ thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đã phê duyệt phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố thiên tai trên địa bàn Hà Nội năm 2023. Chỉ đạo triển khai đồng bộ từ TP đến cơ sở, không để tình trạng lúng túng, bị động khi các tình huống sự cố, thiên tai xảy ra.

Trên cơ sở phương án được UBND TP Hà Nội phê duyệt, Sở Công Thương đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại đăng ký tham gia chương trình dự trữ hàng cứu trợ khẩn cấp; thực hiện dự trữ hàng cứu trợ khẩn cấp.

Các mặt hàng dự trữ theo danh mục được UBND TP phê huyệt bao gồm: Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, lương khô, nước uống, dầu ăn, nến thắp sáng, thực phẩm chế biến, gạo… Dự kiến tổng nguồn hàng cứu trợ cho khoảng 250.000 người, trong 7 ngày liên tục là gần 110 tỷ đồng.

Trọng Tùng