Hãy bảo vệ trẻ em bằng vaccine trước đại dịch Covid-19

Lã Thị Thúy hằng
283/756 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hậu COVID-19 tại Bệnh viện Nhi TƯ bị hội chứng MIS-C, trong đó 50% phải nằm hồi sức. Các trẻ nhỏ này phải thở máy, lọc máu và làm ECMO. Hầu như các trường hợp mắc MIS-C đều chưa tiêm vaccine COVID-19...

50% trẻ mắc COVID-19 bị MIS-C phải nằm hồi sức, hầu như chưa tiêm vaccine

Tại cuộc tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng ngày 1/7, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, hội chứng mắc suy đa cơ quan - gọi là hội chứng MIS-C chính là tình trạng đáp ứng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus. Việc này ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận… Đây là hội chứng rất nặng, ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ

"Hiện nay đã có phác đồ điều trị hội chứng MIS-C. Nhưng nếu không chẩn đoán được sớm, không phát hiện kịp thời thì rất ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Tình trạng bệnh này là bệnh học mới xuất hiện. Khi có COVID-19 mới xuất hiện bệnh này. Chúng ta phát hiện bệnh học này trên thế giới từ tháng 4/2020. Do vậy y học vừa phải chữa trị, vừa phải nghiên cứu thì mới có thể đưa ra được phác đồ một cách cẩn thận", PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho biết trong số 756 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hậu COVID-19 tại bệnh viện có đến 283 bệnh nhân bị mắc MIS-C, trong số này 50% phải nằm hồi sức. Các trẻ nhỏ này phải thở máy, lọc máu và làm ECMO.

"Rất may mắn trong nhóm trẻ này, hầu hết đều được cứu sống được dựa trên phác đồ điều trị. Tuy nhiên, phác đồ điều trị này rất tốn kém. Ví dụ như phải dùng thuốc đường tĩnh mạch, với trẻ 30-40 kg tốn kém mấy trăm triệu đồng. Như vậy, nếu trẻ mắc COVID-19 thì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị", ông Điển nói.

Tại Bệnh viện Nhi TƯ, trong những bệnh nhân mắc MIS-C mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ, hầu như đều là các trẻ chưa tiêm vaccine COVID-19.

a3-1656687975.jpeg

Tình trạng viêm cơ tim tối cấp do nhiễm Covid-19 của cậu bé 10 tuổi khiến các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương trải qua nhiều cửa ải nguy hiểm, trong đó có can thiệp ECMO để giành giật lại sự sống cho cậu bé.

Với các ca bệnh khó, bệnh nặng chủ yếu liên quan đến bệnh mạn tính, bệnh nền. Đây là những yếu tố nguy cơ trên nhóm nguy cơ. Ngay tại Bệnh viện Nhi TƯ, hiện nay một ngày có khoảng 5 -7 trường hợp mắc hội chứng MIS-C.

“Với nhóm trẻ từ 5-17 tuổi, theo nghiên cứu lớn tại Đan Mạch, khi tiêm vaccine sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%. Điều này cho thấy, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C và nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi. Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc COVID-19”, Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho biết thêm

Tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng

PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan.

“Tiêm vaccine Covid-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này nhằm tăng độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người xung quanh, góp phần tích cực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, bà Hồng nói.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Việt Nam đã có sự xâm nhập của biến thể phụ của Omicron là BA.5. Nếu tiếp tục có đột biến mất đoạn, biến thể có nguy cơ cao kháng vaccine, lây lan nhanh, gây ra tình trạng trở nặng cho người nhiễm thì khi đó các biện pháp phòng, chống không đơn thuần là tiêm vaccine mà phải có biện pháp tổng thể vừa hành chính xã hội, vừa có các biện pháp y tế.

Tại các địa phương, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thực hiện theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định tại trạm y tế xã/phường, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học với 2 loại vaccine là Moderna và Pfizer.

Các điểm tiêm chủng đều sẵn sàng để tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho mọi trẻ em trong độ tuổi. Vì thế đừng chần chừ đưa con em đi tiêm chủng. Nếu trẻ đã nhiễm Covid-19 thì sau 3 tháng nên đưa trẻ tới các điểm tiêm chủng.

Lã HẰng