Hàng trăm cán bộ Bộ LĐ-TB&XH tham gia hiến máu tình nguyện

Đặng Thu Hằng
Tinh thần tương thân tương ái của Chương trình hiến máu tình nguyện đã lan tỏa rộng khắp tới các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ LĐ-TB&XH.

Ngày 21/3, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Công đoàn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức lễ phát động phong trào hiến máu tình nguyện năm 2023.

Sự kiện này là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Công đoàn Bộ LĐ-TB&XH lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028 cũng như kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023).

Hàng trăm cán bộ Bộ LĐ-TBXH tham gia hiến máu tình nguyện - 1

Công đoàn viên, đoàn viên Bộ LĐ-TB&XH tham gia hiến máu (Ảnh: Minh Nhật).

Tinh thần tương thân tương ái của Chương trình hiến máu tình nguyện đã lan tỏa rộng khắp tới các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ LĐ-TB&XH.

Phát biểu tại Lễ phát động, bà Hoàng Thị Thu Huyền - Chủ tịch Công đoàn Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: "Với chủ đề 'Một giọt máu đào, trao đời sự sống', mỗi giọt máu được hiến tặng sẽ mở ra cơ hội mới dành cho những bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ.

Hàng trăm cán bộ Bộ LĐ-TBXH tham gia hiến máu tình nguyện - 2

Chủ tịch Công đoàn Bộ LĐ-TB&XH Hoàng Thị Thu Huyền phát động phong trào Hiến máu tình nguyện năm 2023 với chủ đề "Một giọt máu đào, trao đời sự sống" (Ảnh: Bộ LĐ-TB&XH).

Phong trào hiến máu tình nguyện đã và đang được tổ chức ở 41 Công đoàn thuộc Bộ, thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ.

Sự tham gia nhiệt tình của hơn 200 đoàn viên công đoàn hôm nay thể hiện sự cam kết của cộng đồng trong phong trào hiến máu tình nguyện. Đây là hoạt động được duy trì hàng năm của Công đoàn Bộ".

Hàng trăm cán bộ Bộ LĐ-TBXH tham gia hiến máu tình nguyện - 3

Cán bộ Báo Dân trí tham gia hiến máu (Ảnh: Minh Nhật).

Hưởng ứng chương trình đặc biệt ý nghĩa này, nhiều công đoàn viên - đoàn viên Báo Dân trí đã đăng ký vào danh sách tham gia hiến máu và có mặt tại chương trình từ sớm.

Hàng trăm cán bộ Bộ LĐ-TBXH tham gia hiến máu tình nguyện - 4

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc - Phóng viên Báo Dân trí (Ảnh: Minh Nhật).

Nghe tên mình được đọc, mời vào phòng hiến máu, chị Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc - Phóng viên Báo Dân trí vui mừng chia sẻ: "Tôi từng đi hiến máu 2 lần nhưng các lần trước đều không đủ điều kiện do huyết áp thấp. May mắn là lần này có sự chuẩn bị tốt nhờ tài liệu hướng dẫn được Công đoàn - Đoàn thanh niên Báo Dân trí cung cấp nên đáp ứng đủ điều kiện hiến máu".

Hàng trăm cán bộ Bộ LĐ-TBXH tham gia hiến máu tình nguyện - 5

Sau khi hiến máu, chị Ngọc cho biết, không hề thấy choáng hay mệt như từng nghĩ, mà lại còn tốt hơn cho sức khỏe.

Chị Ngọc cũng chia sẻ thêm rằng, sau lần hiến máu này sẽ cố gắng 3 tháng đi hiến máu một lần. Vừa cứu giúp được nhiều người, vừa tốt cho sức khoẻ bản thân.

Lần đầu tiên đi hiến máu, anh Nguyễn Anh Tùng - Phóng viên Báo Dân trí cho biết, việc này "nhẹ nhàng" hơn mình nghĩ rất nhiều.

Hàng trăm cán bộ Bộ LĐ-TBXH tham gia hiến máu tình nguyện - 6

Anh Nguyễn Anh Tùng - Phóng viên Báo Dân trí chia sẻ rằng, đây là lần đầu tiên đi hiến máu (Ảnh: Minh Nhật).

Hàng trăm cán bộ Bộ LĐ-TBXH tham gia hiến máu tình nguyện - 7

Anh Tùng hiến tổng cộng 350ml máu (Ảnh: Minh Nhật).

"Tôi hiến 350ml máu. Sau khi lấy máu xong chỉ cảm thấy hơi mệt nhưng cảm giác này cũng nhanh chóng qua đi sau khi ăn nhẹ tại khu vực nghỉ ngơi", anh Tùng nói, chia sẻ thêm rằng, bản thân cảm thấy rất vui khi nghĩ đến việc máu của mình sẽ tiếp thêm "nguồn sống" cho một người bệnh cần máu.

Hàng trăm cán bộ Bộ LĐ-TBXH tham gia hiến máu tình nguyện - 8

Niềm vui của cán bộ Báo Dân trí khi có thể trao đi "nguồn sống" cho cộng đồng.

Cho đến nay, máu là loại chế phẩm sinh học duy nhất chưa thể tổng hợp nhân tạo được. Nói cách khác, khi bệnh nhân thiếu máu quá nặng, nguồn máu được bồi hoàn vào là hoàn toàn từ người hiến máu. Chính vì thế, hiến máu được xem là một nghĩa cử cao đẹp cho cộng đồng, là việc ý nghĩa thiết thực mà một người có thể làm để giúp ích cho người khác.

Hiến máu chủ yếu là hiến hồng cầu. Máu gồm có huyết tương chiếm 55% thể tích máu và các tế bào máu chiếm 45% còn lại. Các tế bào máu gồm có hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất, kế tiếp là bạch cầu và tiểu cầu.

Đời sống của hồng cầu là khoảng 90 ngày, dài nhất trong các tế bào máu. Đây là khoảng thời gian cần thiết để một hồng cầu sinh ra, thực hiện chức năng và bị tiêu hủy trong gan, lá lách.

Nói một cách khác, mọi hồng cầu lưu hành trong máu đều lần lượt được tủy xương sinh ra và được thay thế sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên, khi cho đi một phần lượng máu rất nhỏ trong cơ thể, đối với bản thân người cho sẽ không bị ảnh hưởng gì, nhưng với người nhận lại là một "nguồn sống" mới.