Hà Nội ưu tiên xử lý khu vực úng ngập ở Đại lộ Thăng Long

Nguyễn Diệp Linh
Thành phố Hà Nội nêu rõ, trước mắt sẽ khảo sát và đề xuất phương án xử lý thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long.

Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo, với lưu vực Tô Lịch, hệ thống thoát nước lưu vực này đã được đầu tư xây dựng, cải tạo tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, về cơ bản đã giải quyết được tình trạng úng ngập nhưng với các trận mưa có cường độ lớn, diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng trên 70mm/h) trên địa bàn vẫn xuất hiện 8 điểm úng ngập, do có bất lợi về địa hình trũng thấp hơn xung quanh, xa nguồn xả…

Với lưu vực Tả Nhuệ, báo cáo nêu, việc tiêu thoát nước của khu vực chủ yếu vẫn bằng hình thức tự chảy và bơm cưỡng bức ra sông Nhuệ qua các trạm bơm Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Thanh Bình, Cầu Bươu. Hiện nay, lưu vực đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành các trạm bơm thoát nước Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế.

Hà Nội ưu tiên xử lý khu vực úng ngập ở Đại lộ Thăng Long ảnh 1

Úng ngập khu vực Đại lộ Thăng Long. Ảnh: TP

Tuy nhiên, hệ thống thoát nước lưu vực chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch như các trạm bơm: Nam Thăng Long, Ba Xã… hệ thống các hồ điều hoà (Cổ Nhuế 1, 2, Phú Đô…) chưa được đầu tư xây dựng nên tồn tại một số điểm úng ngập như Ngã tư Phạm Hùng – Keangnam, Phùng hoang và một số ngõ ngách trong khu dân cư.

Tại lưu vực hữu Nhuệ, báo cáo nêu, hệ thống thoát nước được chia thành 3 tiểu lưu vực, trục thoát nước chính là kênh Ba La, kênh La Khê… ra sông Nhuệ, sông Đáy và bơm cưỡng bức ra sông Đáy qua trạm bơm Yên Nghĩa.

Thành phố cho biết, hiện nay, Trạm bơm Yên Nghĩa và Liên Mạc có nhiệm vụ điều tiết mực nước sông Nhuệ bằng bơm cưỡng bức ra sông Đáy, sông Hồng, nhưng đến thời điểm hiện tại, trạm bơm Liên Mạc và một số trạm bơm thoát nước theo quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng. Trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành cụm công trình đầu mối với tổng công suất 120 mét khối/giây, đã vận hành tiêu úng trong điều kiện tuyến kênh dẫn La Khê vẫn đang thi công, chưa hoàn thành nên chưa phát huy hiệu quả thoát nước cao.

"Hệ thống thoát nước khu vực này chưa được đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ, khả năng tiêu thoát nước của khu vực phụ thuộc lớn vào mực nước sông Nhuệ. Mặt khác, khu vực đang có tốc độ đô thị hoá nhanh, do vậy khi mưa lớn trên địa bàn tồn tại các điểm úng ngập cục bộ trên Đại lộ Thăng Long ở một số vị trí như hầm chui số 3, 5, 6 ngã ba Lê Trọng Tấn, nút giao An Khánh…", báo cáo nêu.

Về giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng khu vực đô thị phía Tây và Tây Nam, thành phố Hà Nội đề ra nhiều giải pháp để hoàn thiện dự án Trạm bơm Yên Nghĩa.

Cụ thể, UBND quận Hà Đông tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành phương án bồi thường hỗ trợ đối với toàn bộ các tổ chức, hộ gia đình trong phạm vi dự án hiện chưa giải phóng mặt bằng xong (318 tổ chức, hộ gia đình với tổng diện tích 9,3ha).

Sở TN&MT rà soát, xử lý theo quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho một số trường hợp sau thời điểm có thu hồi đất thực hiện dự án; đồng thời hướng dẫn UBND quận Hà Đông thực hiện thu hồi đất;

Sở NN&PTNT tập trung, chủ động, tăng cường công tác phối hợp, theo dõi, tổng hợp toàn diện kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc, trách nhiệm của đơn vị liên quan để tham mưu UBND thành phố chỉ đạo tháo gỡ kịp thời đối với từng nội dung dự án; thường xuyên tập trung rà soát, phân loại, cập nhật, xây dựng ngay biểu tiến độ thực hiện cụ thể đối với từng nội dung, hạng mục, phương án và triển khai thi công ngay khi có mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án; tăng cường phối hợp với UBND quận Hà Đông và đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện báo cáo UBND thành phố định kỳ trước ngày 15 và 30 hằng tháng, đồng thời rà soát lòng dẫn kênh La Khê, tổ chức nạo vét, khơi thông các vị trí lòng dẫn còn hẹp, nâng cao thêm khả năng tiêu nước của kênh;

Thành phố Hà Nội cho biết, sẽ kiểm tra, bổ sung ga thu nước mưa, thay đổi miệng thu nước của ga thu để tăng khả năng thu nước vào hệ thống; bổ sung hệ thống thoát nước mặt tại các đường ven sông, ven hồ vào sông, hồ bằng phương pháp hạ hè với các nơi có vỉa hè thấp, hoặc sử dụng kết cấu rãnh xương cá dưới mặt hè cho nước mưa trên mặt đường thoát thẳng xuống sông, hồ. Cùng với đó, sẽ nghiên cứu bổ sung các bể điều tiết ngầm để giảm thiểu úng ngập tại nơi có địa hình trũng và xa nguồn xả. Trước mắt khảo sát và đề xuất phương án xử lý thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long.

Sở Xây dựng rà soát, tháo gỡ nội dung kiến nghị của UBND quận Hà Đông liên quan đến việc bố trí quỹ nhà tái định cư để UBND quận bố trí cho các hộ bị thu hồi đất thực hiện tái định cư theo quy định.

Thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành thành phố, các đơn vị duy trì thoát nước đô thị nghiên cứu, đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài như đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực bắc sông Hồng…

Cùng với đó, khảo sát và đề xuất phương án xử lý thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long (xem xét phương án xã hội hoá đầu tư, các chủ đầu tư khu đô thị trong khu vực đầu tư, sau đầu tư và bàn giao cho thành phố không bồi hoàn.

Thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng một số hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ bằng nguồn vốn đầu tư công của quận hoặc các nguồn huy động khác.