Mô hình trường học hạnh phúc đang được áp dụng nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là một mô hình trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học.
Khi con người có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để người học không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại, để khẳng định mình và có những cống hiến lớn lao cho xã hội.
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là một tiêu chí quan trọng mà bất kỳ trường học nào cũng mong muốn đạt được. Để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì trường học đó phải là trường học hạnh phúc.
Muốn xây dựng được trường học hạnh phúc thì phải bắt đầu từ cấp học đầu tiên là cấp học mầm non. Do đó, việc xây dựng trường học hạnh phúc là việc làm rất cần thiết của các nhà trường.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn thì việc tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện tiến đến mục tiêu “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc” là điều mà trường Mầm non Thịnh Liệt đã và đang hướng tới.
Ngày 15/1 vừa qua, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức buổi Hội thảo chuyên môn với chủ đề “Trường học hạnh phúc” nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ thầy cô giáo, các con học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ. Buổi bồi dưỡng chuyên đề đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn và được các CBGVNV toàn trường nhiệt tình hưởng ứng.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Hiệu trưởng trường mầm non Thịnh Liệt, mong muốn trường học hạnh phúc thực sự trở thành mô hình lan tỏa, hiệu quả, ý nghĩa, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui của các cô giáo và các con học sinh.
Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng chia sẻ những khó khăn, những mong muốn khi đến trường và được cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc.
Cụ thể, những tiêu chí để đạt được trong một không gian lớp học và nhà trường trong một hoạt động, một tình huống cụ thể đối với giáo viên và học sinh.
Thông qua các hình ảnh, video minh họa, thông qua những câu chuyện dí dỏm, hấp dẫn có thật từ thực tế, các cô giáo còn được trang bị những kỹ năng lựa chọn hành vi, kỹ năng nhận diện cảm xúc.
Xây dựng trường học theo định hướng tập thể, tổ chức các hoạt động gắn kết học sinh với nhau. Thay đổi cách cư xử trong lớp học và tạo môi trường học tập an toàn. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một lớp học hạnh phúc.
Các con được các cô giáo hướng dẫn nhiều bài học mới như cách chào hỏi, cách chia sẻ, các hoạt động nhóm, thông điệp sáng, được tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa, được chăm sóc tận tình, được thầy cô yêu thương, quan tâm.
Các con được lắng nghe, được nói lên những suy nghĩ, cảm xúc của mình, được thầy cô tôn trọng. Đó chính là hạnh phúc.
Buổi Hội thảo đã giúp cho tập thể CBGVNV nhà trường ý thức rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của việc xây dựng trường học hạnh phúc. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Để xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc”, trước hết phải xây dựng môi trường hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc trong công việc của mình. Từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến học sinh. Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp dưới mái trường, mà còn lan tỏa, song hành cùng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.
Tập thể CBGVNV nhà trường quyết tâm xây dựng trường Mầm non Thịnh Liệt là trường học hạnh phúc, góp phần đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo quận Hoàng Mai.