Hà Nội: Người dân tích cực phối hợp chống dịch sốt xuất huyết

Lã Thị Thúy hằng
Hà Nội đang vào giai đoạn dịch sốt xuất huyết tăng nhanh, tại các địa bàn “điểm nóng”, hoạt động phòng dịch, công tác xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy đang tích cực được triển khai đến từng hộ dân.

Tập trung xử lý các ổ dịch

Tại quận Hoàng Mai, nơi đang ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất Hà Nội, trong những ngày thời tiết lúc mưa, lúc nắng, các cán bộ y tế càng phải tích cực đến từng khu vực có ổ dịch để xử lý muỗi và hướng dẫn người dân vệ sinh nhà ở, môi trường phòng bệnh lây lan.

Ghi nhận tại khu vực đường Lê Trọng Tấn (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), đa số các hộ dân tích cực phối hợp với cán bộ y tế quận Hoàng Mai và trạm y tế phường để tổ chức phun hoá chất diệt muỗi.

Chú thích ảnh Cán bộ y tế Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai, phối hợp với cộng tác viên trên địa bàn xử lý khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết. 

Theo người dân nơi đây, khu vực này đã ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết, có gia đình đã có sự lây lan, nhiều người bệnh biến chứng nặng phải nhập viện điều trị.

Bà Trần Thị Tám (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Đã có nhiều gia đình xung quanh có người bị sốt xuất huyết nên chúng tôi rất lo lắng, sợ dịch lan rộng sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy trong nhà tôi luôn cẩn thận phòng bệnh, giữ nhà sạch sẽ, ngủ phải mắc màn để phòng muỗi đốt, không tích trữ nước, vệ sinh theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Khu vực chúng tôi ở đã được phun diệt muỗi 2 lần, chúng tôi cũng rất tuân thủ, thậm chí mong muốn được phun thuốc để phòng bệnh. Khi cán bộ phun thuốc đến chúng tôi cũng nhắc họ phun đầy đủ các tầng, các vị trí trong nhà. Chúng tôi đã được hướng dẫn không để tích trữ nước sạch trong chai lọ, lọ hoa, úp các chậu nước… vệ sinh nhà ở không để muỗi trú ngụ”.

Cũng theo bà Tám, đa số người dân trong khu vực có dịch tuân thủ khi cán bộ y tế xuống hướng dẫn và phun thuốc, tuy nhiên vẫn có một số gia đình đi vắng hoặc một số ít khi cán bộ y tế tới vẫn chưa đồng ý cho phun thuốc; đây là những nơi dễ bị bỏ sót, ảnh hưởng đến những người xung quanh đang tích cực phòng bệnh.

Chú thích ảnh Đa số người dân tuân thủ hướng dẫn phòng dịch, phối hợp phun hoá chất diệt muỗi, vệ sinh nhà ở. 

Trong gia đình đã có 2 người bị mắc sốt xuất huyết nên bà Kiều Thị Tuyết vẫn chưa hết lo lắng, khi được báo có nhân viên y tế đến xử lý ổ dịch, phun hoá chất diệt muỗi, bà Tuyết đã ở nhà để mở cửa cho cán bộ y tế vào.

“Nhà tôi có tôi và con trai tôi đã bị sốt xuất huyết, nhất là con trai tôi tuy sức khoẻ tốt hơn nhưng lại bị nặng hơn, phải nhập viện điều trị hơn 10 ngày. Sốt xuất huyết rất nguy hiểm và chỉ lây qua muỗi đốt nên ngay khi nhà có người bị mắc, gia đình tôi đã khẩn trương gọi nhân viên đến phun thuốc diệt muỗi. Vừa để đỡ lây lan trong nhà, vừa tránh cho muỗi bay sang các nhà xung quanh”, bà Tuyết chia sẻ.

Tại mỗi buổi đi phun hoá chất, xử lý khu vực có ổ dịch cán bộ trạm y tế phải phối hợp với tổ trưởng dân phố các khu vực đến từng nhà dân để thông báo, liên tục tuyên truyền nhắc nhở các gia đình tuân thủ và thực hiện các hướng dẫn về phòng chống dịch.

Chú thích ảnh Phun thuốc diệt muỗi trưởng thành tại các hộ gia đình.

Ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai cho biết: “Trong những tuần gần đây, dịch sốt xuất huyết có sự gia tăng hơn so với giai đoạn tháng 5, tháng 6; tập trung nhiều ở một số phường trọng điểm về sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận đã ghi nhận khoảng 107 ca mắc sốt xuất huyết; tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.

Năm nào quận Hoàng Mai cũng là điểm nóng về dịch sốt xuất huyết, bởi đây là địa bàn đông dân cư, người dân từ các nơi đến sinh sống nhiều, các hình thức thuê trọ, nhiều nhà chung cư đông dân… cách sinh sống của người dân từ nhiều nơi đến cũng đa dạng, phức tạp, ảnh hưởng đến nhận thức của người dân trong phòng chống dịch. Việc nâng cao nhận thức của người dân trong phòng dịch sốt xuất huyết cũng cần được nâng cao hơn nữa.

Cũng theo ông Lê Đức Thọ, dịch sốt xuất huyết gia tăng thời điểm này phù hợp với chu kỳ dịch hàng năm là thường bùng phát vào tháng 6, tháng 7, cao điểm vào tháng 8, tháng 10. Chu kỳ của dịch sốt xuất huyết thường là 5 năm bùng phát, nhưng diễn biến của dịch sẽ còn tuỳ thuộc theo nhiều yếu tố như: Thời tiết, nhiệt độ, đặc điểm dân cư, nhất năng lực phòng chống sốt xuất huyết của từng nơi.

Hiện các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết đã tích cực triển khai ngay từ đầu năm, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, không để bùng phát dịch rộng trên địa bàn. Ngành y tế phối hợp với các đơn vị triển khai chỉ đạo 14 trên địa bàn xây dựng kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết. Xây dựng kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết, thường xuyên giám sát, kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết; giám sát, phát hiện bệnh nhân; điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý vệ sinh môi trường, diệt muỗi, phun hoá chất diệt muỗi để giảm nhanh số lượng muỗi trưởng thành trong các hộ gia đình ngăn lây lan; đặc biệt các chiến dịch vệ sinh môi trường được thực hiện định kỳ, thực hiện khi có ổ dịch; bên cạnh đó là công tác khám chữa bệnh, phát hiện các ca nghi ngờ để xử trí kịp thời… Đặc biệt là công tác tuyên truyền tới cộng đồng, vì ý thức của. người dân là biện pháp rất quan trọng trong phòng dịch sốt xuất huyết.

Còn tại quận Hà Đông (Hà Nội), là nơi ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao ngày từ những tháng trước, ngành y tế và chính quyền, người dân tại địa bàn đã liên tục triển khai hoạt động phòng dịch, dập các ổ dịch cũ và ngăn chặn không để phát sinh thêm nhiều ổ dịch mới.

Cụ thể, các hoạt động dọn vệ sinh môi trường, xử lý nước đọng đã được triển khai rốt ráo. Các tổ giám sát cộng đồng đi giám sát chỉ số bọ gậy, hỗ trợ người dân làm vệ sinh môi trường… Các hoạt động tích cực phòng chống đã có hiệu quả, khi hiện số ca mắc mấy tuần gần đây chỉ còn lẻ tẻ, chưa phát sinh các ổ dịch mới phức tạp.

Chú thích ảnh Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xử lý các dụng cụ có nước đọng, dễ thành nơi đẻ trứng, sinh sôi của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. 

Nguy cơ dịch bùng phát rất cao nếu không ngăn chặn

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, dịch sốt xuất đang tăng nhanh trong những tuần gần đây trên địa bàn Hà Nội. Đơn cử như trong tuần trước (từ ngày 7 - 14/7), Hà Nội đã ghi nhận 291 ca mắc mới sốt xuất huyết, tăng gần 2 lần so với những tuần trước đó); ghi nhận thêm 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết như: Thạch Thất (47 ca), Hoàng Mai (31 ca), Bắc Từ Liêm (29 ca), Thanh Trì (16 ca), Phú Xuyên (15 ca), Thường Tín (14 ca), Cầu Giấy (13 ca), Hà Đông (12 ca)…

Từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận 1.114 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đến nay đã ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 27 ổ dịch đang hoạt động.

Đặc biệt, kết quả giám sát trong tuần vừa qua tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều nơi có chỉ số muỗi, bọ gậy (chỉ số BI) cao vượt ngưỡng như: Thôn Bàn, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (BI=35); thôn Văn Hội, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (BI=40)… Trong khi đó, nếu chỉ số BI từ 30 trở lên, có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát.

TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) cảnh báo: Thời tiết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều khiến chu kỳ của muỗi phát triển rất nhanh. Dự báo, từ tháng 7 đến tháng 11, thành phố sẽ đối diện với nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, mỗi người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Đặc biệt, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi nhưng người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương. Tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng thuốc gây ảnh hưởng tới công tác chống dịch sốt xuất huyết.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, để phòng chống dịch sốt xuất huyết, các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông, đặc biệt truyền thông trực tiếp để người dân hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao hơn nữa ý thức của người dân.

Đối với các hộ gia đình có bãi đất trống với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng cần yêu cầu dọn dẹp xử lý môi trường ngay. Đồng thời, người dân cần tích cực diệt bọ gậy bằng cách thả cá hoặc thả hóa chất vào các dụng cụ chứa nước đọng để ngăn muỗi sinh sôi, truyền bệnh.