Không để những sai lầm khiến bệnh trở nặng
Hiện số mắc mới sốt xuất huyết đang tăng mạnh, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Trung bình mỗi tuần có thêm khoảng 6.000-8.000 ca mắc mới. Tính đến ngày 17/6, cả nước ghi nhận hơn 60.000 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 36 ca tử vong, chủ yếu ở khu vực phía Nam.
Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết chưa nhiều. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 93 ca (giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái). Song, không chủ quan với dịch sốt xuất huyết có thể quay trở lại theo chu kỳ, các bệnh viện đã chuẩn bị giường bệnh, cơ số thuốc, nhân lực… sẵn sàng cấp cứu người bệnh.
Mỗi ngày tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận, điều trị cho gần 10 ca sốt xuất huyết, một số ca nhập viện muộn, có biến chứng nguy hiểm.
Đang điều trị tại khoa Virus - ký sinh trùng, một nam thanh niên mắc sốt xuất huyết cho hay vì không biết mình bị bệnh, nghĩ chỉ đau nhức mỏi người, sốt cao như cảm cúm thông thường nên anh tự điều trị tại nhà. Đến khi những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau vùng bụng trở nặng rõ rệt, sốt 4 ngày không hạ, chảy máu chân răng, anh mới đi viện, tiểu cầu đã giảm mạnh.
Bệnh nhân P.K.N (9 tuổi, ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông) sốt cao và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và áp dụng phác đồ điều trị kịp thời...
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, vào thời điểm hiện nay, các bệnh nhân khi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém, kèm theo nôn nhiều cần đến bệnh viện sớm, tránh biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.
Tương tự, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đã tiếp nhận 17 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 5 người phải nhập viện điều trị nội trú. Do được điều trị kịp thời nên chưa có trường hợp nào nặng và xuất hiện các biến chứng. Bác sĩ Chu Đình Năng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Anh thông tin, hiện việc điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết chưa gặp nhiều khó khăn. Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Do đó, quan trọng nhất là bệnh nhân được chẩn đoán chính xác và theo dõi sát diễn tiến của bệnh để có những chỉ định, can thiệp kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) lưu ý, sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Dù mức độ nhẹ có thể được điều trị tại nhà, nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được theo dõi, tránh bệnh tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng. Hơn nữa, nhiều người cho rằng, bệnh nhân sốt xuất huyết hết sốt là khỏi bệnh. Thế nhưng, sau 2-7 ngày mắc bệnh, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn, song đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ: Xuất huyết dưới da, chảy máu cam… Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh, có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Đây là giai đoạn bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi sát sao.
Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư sẵn sàng cấp cứu người bệnh
Theo các chuyên gia, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết ngày càng có sức sống dai dẳng hơn, thậm chí có những con muỗi đã kháng thuốc. Chính vì vậy, có những nơi, dù đã phun thuốc diệt muỗi vẫn bị sốt xuất huyết.
Để phòng ngừa sốt xuất huyết, theo Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, ký sinh trùng Trung ương, nguyên tắc đầu tiên là phải diệt hết lăng quăng, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước… Ngoài ra, đặc điểm của muỗi sốt xuất huyết chỉ hoạt động vào ban ngày, do đó hạn chế mở cửa lúc sáng sớm. Khoảng thời gian nhập nhoạng tối, muỗi có thói quen bay vào nhà để tìm nơi trú ngụ, nên cũng hạn chế mở cửa thời điểm này.
Mới đây, để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các tổ dân phố, thôn, làng và các hộ gia đình về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết để người dân chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, tự diệt muỗi, diệt bọ gậy tại hộ gia đình hàng tuần…
"Tuyên truyền giáo dục người dân nhưng cũng kiên quyết xử phạt đối với những cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định", ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội theo dõi chặt chẽ tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn về kiểm tra, giám sát, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời đối với ổ dịch, ca bệnh. Riêng tại các cơ sở y tế phải bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, dịch truyền phục vụ công tác thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.