Hà Nội: Ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, hiện có 80 ổ dịch

Nguyễn Diệp Linh
Hiện nay tại Hà Nội có 80 ổ dịch sốt xuất huyết, CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

CDC Hà Nội cho biết sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp tại Hà Nội. Theo thống kê trong tuần 36, Hà Nội ghi nhận 547 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng 46,3% so với tuần trước (374).

Cộng dồn trong năm 2022, trên địa bàn đã có 2.263 ca mắc sốt xuất huyết và 3 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 3,7 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (600 ca mắc, 0 ca tử vong).

CDC Hà Nội cũng cho biết từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 240 ổ dịch tại 27 quận, huyện. Hiện tại còn 80 ổ dịch đang hoạt động, CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Đáng chú ý là có những ổ dịch như tại thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, kéo dài suốt 1,5 tháng vẫn chưa khống chế được triệt để.

ttxvn-sot-xuat-huyet-1663294519489-1663377243.jpg

Ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh. Ảnh: Công an nhân dân

Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cho biết, ổ dịch này ghi nhận ca bệnh đầu tiên từ ngày 1/8. Đến nay đã phát hiện 55 bệnh nhân, chiếm hơn 73% ca bệnh của toàn xã. "Nguyên nhân xuất hiện ổ dịch là tháng 8 vừa qua là thời điểm mưa nhiều, đọng nước, thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, bọ gậy phát triển thành muỗi. Trước đó việc vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa được triển khai, chỉ khi có ca bệnh mới làm. Để xử lý ổ dịch, chúng tôi đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại ổ dịch này 4 lần… ”- BS Nguyễn Thị Xuân Quỳnh cho biết.

Theo kết quả giám sát trọng điểm, nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng, cho thấy nguy cơ cao dịch sốt xuất huyết lan rộng nếu không có biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả. Tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng số ca bệnh tăng cao hiện nay gây áp lực cho các cơ sở y tế và đã có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng, nguy kịch phải thở máy. Nhiều trường hợp nhầm lẫn các triệu chứng sốt xuất huyết với những biểu hiện của bệnh cúm A và COVID-19 nên nhập viện muộn, dẫn đến bệnh chuyển biến nặng. Một số bệnh nhân mắc đồng thời cả sốt xuất huyết và Covid-19, khiến việc điều trị gặp khó khăn.

“Căn cứ vào quy luật dịch hàng năm và thời tiết cho thấy, dự báo tháng 10 và tháng 11 dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát rất mạnh tại Hà Nội. Thời tiết hiện nay rất thất thường, đợt này nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển, khiến dịch bệnh càng khó kiểm soát”- BS chuyên khoa 2 Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội nhận định.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, TP tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch, sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong bối cảnh dịch COVID-19 và sốt xuất huyết gia tăng, người dân cần cẩn trọng khi có triệu chứng sốt.

Để phân biệt sốt xuất huyết, bác sĩ Cấp nêu rõ: "COVID-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, với các triệu chứng phổ biến như ho, đau họng, chảy nước mũi. Còn đối với sốt xuất huyết, đa phần bệnh nhân có triệu chứng sốt cao. Rất nhiều bệnh nhân do chủ quan không nghĩ mình bị sốt xuất huyết nên đến viện ở ngày thứ 4-5 sau khi có triệu chứng sốt, với tình trạng khá nặng như sốc, choáng, chảy máu…

Hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó nhiều ca chuyển biến nặng, kể cả đối với người trẻ, không có bệnh lý nền.

Vì vậy, khi có triệu chứng sốt, đau mỏi người, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán căn nguyên bệnh, từ đó được theo dõi và điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt như dùng kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi để không bị nhiễm bệnh".

Ngoài ra, bác sĩ Cấp cũng cảnh báo những dấu hiệu nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết như đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, mệt mỏi, bồn chồn. Khi có những biểu hiện này cần lập tức đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và chăm sóc.

PV