Hà Nội: Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tăng do tự điều trị tại nhà

Lã Thị Thúy Hằng
Trường hợp sốt xuất huyết nguy kịch nhất đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh nhân 42 tuổi, chẩn đoán xuất huyết tiêu hoá, suy đa tạng, vô niệu hoàn toàn, tiên lượng tử vong rất cao.

Nguy kịch vì tự điều trị sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong tuần qua, số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nhập viện tăng mạnh so với các tuần trước. Tại 2 cơ sở của bệnh viện đang điều trị cho 30 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 ca đã tử vong, 4 ca chuyển nặng, 2 trong 4 người này đang trong tình trạng nguy kịch, phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Đó là nữ bệnh nhân 42 tuổi, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày thứ 6 khởi phát bệnh. Chị mắc tiểu đường, tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà trước đó.

Khi được đưa vào viện, người phụ nữ bị ngừng tuần hoàn, rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy hô hấp. Bác sĩ phải chỉ định đặt ống, thở máy, lọc máu, sử dụng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, truyền các chế phẩm máu và sử dụng dung dịch cao phân tử do bị thoát dịch nhiều. Tuy nhiên, bệnh nhân giảm tiểu cầu, xuất huyết tiêu hoá, kèm xuất huyết trong cơ, vô niệu hoàn toàn, tiên lượng tử vong rất cao.

Trường hợp thứ 2 là nữ bệnh nhân 38 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội, vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở ngày thứ 4. Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, đau đầu, tự điều trị tại nhà hai ngày bệnh không giảm.

a5-1661560854.jpg

TS Thân Mạnh Hùng khám cho nữ bệnh nhân 38 tuổi bị sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại khoa Cấp cứu.

Vào khoa Cấp cứu, chị khó thở, thiếu máu, phổi tổn thương, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng, suy thận. Bệnh nhân không đáp ứng tốt với liệu pháp thở oxy nên bác sĩ chỉ định cho chị thở máy, lọc máu liên tục. So với ca bệnh 42 tuổi, nữ bệnh nhân này tiên lượng tốt hơn.

Bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng không phụ thuộc vào các yếu tố tuổi tác, tiền sử bệnh tật. Bệnh viện 103 gần đây tiếp nhận và điều trị cho nam thanh niên 19 tuổi sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy đa tạng, tràn dịch đa màng, tổng thời gian điều trị hết 24 ngày, trong đó có 14 ngày thở máy.

Hà Nội đang cùng lúc lưu hành nhiều bệnh dịch có triệu chứng ban đầu khá giống nhau gồm Covid-19, sốt xuất huyết, cúm. Ba bệnh này đều có triệu chứng sốt, ho, đau mỏi người. Các bác sĩ khuyên người dân không nên chủ quan. Giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết thường từ ngày thứ 4 trở đi, do đó bệnh nhân cần cẩn trọng, không phải cứ hết sốt là hết bệnh, hết nguy hiểm.

Một vấn đề khác là việc truyền dịch và uống thuốc hạ sốt khi mắc sốt xuất huyết

Trong đó, lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng đau đầu, hạ sốt là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần còn người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h.

Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.

Về vấn đề bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết, các bác sĩ lưu ý việc bù đủ lượng dịch cơ thể rất cần nhưng bằng dịch nào (nhóm bù nước và điện giải hay nhóm cung cấp chất dinh dưỡng), theo cách ra sao cho đúng và an toàn cần ý kiến bác sĩ.

Những ngày đầu việc truyền dịch là không cần thiết, nếu bệnh nhân còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống oresol, nước hoa quả, nước lọc. Không phải cứ có chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch mà phải đúng chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt không nên tự truyền dịch tại nhà.

Lúc truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp,... Từ ngày thứ 6 của bệnh (giai đoạn tái hấp thu và hồi phục) nếu truyền nhiều dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp…

T.Hằng