Gỡ khó trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế

Lã Thị Thúy Hằng
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã xảy ra cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc; ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Đây là những khó khăn cần sớm có biện pháp giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và cần có hành lang pháp lý rõ ràng để các bệnh viện không còn sợ sai khi đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư y tế.
Chú thích ảnh Người dân đi khám bệnh tại bệnh viện. Ảnh: TTXVN

Người bệnh chịu thiệt, bệnh viện loay hoay

Mới phát hiện mắc ung thư, phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện K, bà N.T.S (ở Cầu Giấy, Hà Nội) “ớ người” khi bệnh viện thông báo hết kim luồn truyền dịch, người bệnh phải tự mua ngoài.

“Tôi không nghĩ những vật tư đơn giản như kim truyền lại bị thiếu; tuy giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kim và dễ mua nhưng người bệnh phải tự đi mua ngoài cũng khá bất tiện trong lúc đến bệnh viện điều trị đã rất mệt mỏi”, bà S. phàn nàn.

Còn bệnh nhân L.T.H (trọ tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã gắn bó với bệnh suy thận nhiều năm nay, đều đặn mỗi tuần 3 lần, bệnh nhân phải vào viện chạy thận. Các chi phí chạy thận, vật tư được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, bà và nhiều bệnh nhân phải tự bỏ tiền mua thêm găng tay y tế, băng dán y tế để sử dụng mỗi lần chạy thận.

“Loại găng tay y tế này được các bác sĩ sử dụng mỗi lần thay quả lọc thận, hoặc cắm kim tiêm… nhằm đảm bảo vô trùng cho người bệnh. Trước đó, loại găng tay này bệnh viện có sẵn, nhưng gần đây bệnh viện thông báo thiếu găng tay nên bệnh nhân phải tự mua bên ngoài, mang vào theo mỗi lần chạy thận. Gần đây, bệnh viện cũng bị thiếu cả băng dính y tế, chúng tôi cũng phải mua ngoài”, bệnh nhân H. cho biết.

Bà H. cũng tỏ ra lo lắng khi nghe nói đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư ở nhiều bệnh viện. Với hộp găng tay có giá khoảng 90.000 - 100.000 đồng/hộp; bà tự mua được, nhưng nếu thiếu các thuốc quan trọng khác thì rất nguy hiểm.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, không chỉ bệnh nhân chịu thiệt, mà bệnh viện cũng “lao đao” theo. Tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, do xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hoá chất và trang thiết bị đã khiến bệnh viện phải chuyển bệnh nhân đến nơi khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật như chụp CT, MRI, giải phẫu bệnh…

“Thậm chí, đã có tình trạng bệnh nhân xin ra viện hoặc chuyển đến bệnh viện khác để điều trị; bệnh viện phải áp dụng kỹ thuật, phương pháp cũ để điều trị cho người bệnh... Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, chất lượng dịch vụ, gây áp lực cho nhân viên y tế”, đại diện bệnh viện cho biết.

Hay tại Bệnh viện Bạch Mai, do việc đơn vị trúng thầu thuốc, vật tư chưa cung ứng đủ theo đơn đặt hàng của bệnh viện; vừa qua cũng có một số thuốc thiết yếu như: Ceftriaxone, cefazolin, amikacin, vancomycin, clindamycin… bị thiếu; đặc biệt, một số gói thầu hóa chất, vật tư y tế dùng trong tiêu hóa và can thiệp tim mạch bị trượt thầu đã gây ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh của bệnh viện.

Nhiều cơ sở y tế cũng thiếu các trang thiết bị y tế chuyên sâu như: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu…

Đánh giá về tình trạng này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thừa nhận: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã xảy ra cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc; ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Báo cáo của 34 sở y tế và 21 bệnh viện tuyến Trung ương vừa qua cho thấy: Có 28 sở y tế, 12 bệnh viện tuyến Trung ương có tình trạng thiếu thuốc; có 26 sở y tế, 15 bệnh viện tuyến Trung ương thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14 sở y tế, 8 bệnh viện tuyến Trung ương thiếu trang thiết bị y tế.

Theo đại diện Bộ Y tế, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là do việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương sợ trách nhiệm, không dám làm…

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng thuốc của các doanh nghiệp; nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham dự do không có hàng, giá tăng cao không có lợi nhuận, không đạt kỹ thuật… Bên cạnh đó, vấn đề vướng mắc tại cơ sở y tế liên quan đến giá thuốc, vật tư y tế. Cụ thể, mức giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế do các doanh nghiệp khai và chịu trách nhiệm, trong khi hiện nay chưa bộ, ngành nào chịu trách nhiệm kiểm soát, giám sát. Đây là điều e ngại cho các bệnh viện, người đứng đầu các cơ sở. Trong khi một số văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp và sát thực tế nên các cơ sở y tế rất khó khăn khi thực hiện.

Một số giám đốc bệnh viện cũng thừa nhận việc thiếu thuốc và vật tư y tế trên diện rộng là chuyện không bình thường. Bên cạnh những yếu tố khách quan, cũng có nguyên nhân các bệnh viện thận trọng hơn trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế.

Chú thích ảnh Đảm bảo thuốc, vật tư y tế để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ảnh: TTXVN

Tháo gỡ dần

Để tháo gỡ các khó khăn hiện nay, nhiều bệnh viện đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn xử lý tình huống thay thế thuốc, mua sắm thuốc khi nhà thầu không cung ứng đủ. Đồng thời triển khai đấu thầu tập trung và cấp số đăng ký trang thiết bị y tế. Đặc biệt, với một số thuốc biệt dược gốc nên thực hiện đàm phán giá, một số mặt hàng trang thiết bị y tế và vật tư nên tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia; xây dựng các cấu hình, thông số để tránh rơi vào bẫy chỉ định thầu.

Trước mắt, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn và xây dựng giá kế hoạch để đảm bảo cho các cơ sở y tế có thể mua sắm được. Đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản, quy trình và sớm ban hành các văn bản về đấu thầu để các bệnh viện có cơ sở thực hiện; có văn bản hướng dẫn việc mua sắm các trang thiết bị chỉ có duy nhất 1 nhà cung cấp và làm dịch vụ sau bán hàng như bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa… Đặc biệt, Bộ Y tế cũng cần có đường dây nóng hỗ trợ các giải pháp khúc mắc về mua sắm, đấu thầu trong giai đoạn này.

Bên cạnh yêu cầu các đơn vị báo cáo rõ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu; Bộ Y tế liên tục “đốc thúc”, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; đề nghị lãnh đạo chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý; thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh…

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế tập trung giải quyết những tồn tại trước mắt; trong đó có việc quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế; giải quyết triệt để các hồ sơ tồn đọng. Đồng thời triển khai cải cách hành chính; thực hiện triệt để công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Phát huy hiệu quả cao nhất của việc đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế; hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, tại các bệnh viện; giao Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cho cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế