Giữ lối sống nhân ái, đạo nghĩa, hình thành nét nhân văn trong nhịp sống đương đại

Đặng Thu Hằng
Năm 2023, Lễ phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia được tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Nhân đạo có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thực Hiện, Thành uỷ viên - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ thành phố nhiệm kỳ 2022 – 2027 về ý nghĩa của sự kiện trên đối với người dân thành phố.

PV: Thưa ông, năm 2023, Lễ phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia được tổ chức tại thành phố Cần Thơ? Xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này đối với người dân thành phố?

Ông Nguyễn Thực Hiện: Tháng Nhân đạo cấp quốc gia năm 2023 được tổ chức tại thành phố Cần Thơ đúng vào dịp thành phố đang tập trung cao điểm thực hiện các công trình, phần việc để thực hiện các hoạt động chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), ngày Quốc tế Lao động 1/5 và kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (01/01/2004 - 01/01/2024). Lễ phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước; cùng với đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố.

anh-ong-nguyen-thuc-hien-pho-ct-can-tho-1682095869.jpg
Ông Nguyễn Thực Hiện- Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ thành phố.

Đây cũng là dịp để mọi người biết đến người Cần Thơ hôm nay vẫn luôn phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, giữ lối sống nhân ái, đạo nghĩa, hình thành nét nhân văn trong nhịp sống đương đại. Đặc biệt, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định một trong những nhiệm vụ giải pháp để xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long là xây dựng con người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”. Vì vậy, việc xây dựng một cộng đồng nhân ái thông qua các hoạt động trong Tháng Nhân đạo càng có ý nghĩa sâu sắc với Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố trong việc thực hiện mục tiêu trên.

PV: Với vai trò là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ thành phố Cần Thơ, ông có thể đánh giá đôi nét về hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ thành phố thời gian qua?

Ông Nguyễn Thực Hiện: Hội Chữ thập đỏ thành phố là tổ chức nhân đạo với vai trò quan trọng trong hoạt động từ thiện nhân đạo trên địa bàn thành phố, đặc biệt trong những thời điểm thiên tai, dịch bệnh. Thời gian qua, chính quyền thành phố luôn tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ phát huy vai trò của mình và Hội đã làm tốt các hoạt động công tác xã hội nhân đạo; hoạt động tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện. Các phong trào, cuộc vận động của Hội Chữ thập đỏ thành phố thời gian qua đã lan tỏa đến toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và nhân dân trên địa bàn thành phố.

Một điểm đáng ghi nhận là Hội Chữ thập đỏ thành phố Cần Thơ đã duy trì và phát triển nhiều mô hình nhân đạo tại cộng đồng như: Trung tâm Nuôi dưỡng người già, nhà trẻ mồ côi Hướng Dương, Trung tâm huấn luyện Chữ thập đỏ, Bếp ăn tình thương, xe chuyển bệnh, đội tình nguyện viên các cấp; mô hình phiên Chợ nhân đạo, quầy hàng hóa - lương thực 0 đồng, mô hình vận động nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên cho các địa chỉ nhân đạo khó khăn; mô hình nhận và cho quần áo cũ; mô hình vận động nhà hảo tâm hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho hội viên nghèo; mô hình tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; mô hình đội tuyên truyền an toàn giao thông và sơ cấp cứu lưu động… từ đó đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ.

anh-ong-nguyen-thuc-hien-tai-ngay-hoi-sac-do-tay-do-1682095886.jpg
Ông Nguyễn Thực Hiện trao tặng quà người hiến máu tại Ngày hội hiến máu Sắc đỏ Tây đô 2022.

Cụ thể, trong năm 2022, với tổng trị giá hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ thành phố đạt trên 179 tỷ đồng, trong đó phát động Tháng Nhân đạo đạt 272% kế hoạch; trợ giúp thường xuyên cho 1.518 địa chỉ nhân đạo. Đặc biệt, trong dịp Tết Nhân ái năm 2023, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã tổ chức các đợt trao quà, chợ 0 đồng, chợ Nhân ái tại 9 quận, huyện và 83 xã, phường, thị trấn trị giá toàn Hội trên 8 tỷ đồng đạt 105% chỉ tiêu Trung ương giao.

Những kết quả trên đã cho thấy sự nỗ lực của các cấp Hội Chữ thập đỏ toàn thành phố trong thời gian qua đồng thời góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân có hoàn cảnh khó khăn, mang lại lợi ích thiết thực, giúp họ có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

PV: Thưa ông, để Hội Chữ thập đỏ thành phố Cần Thơ có thể thực hiện tốt thông điệp của Tháng Nhân đạo năm 2023 là “Từ trái tim mỗi chúng ta- Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, thành phố có sự chỉ đạo cụ thể nào đối với các cấp, các ngành trong việc phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thực hiện các hoạt động trong Tháng Nhân đạo?

Ông Nguyễn Thực Hiện: Với mong muốn Tháng Nhân đạo thực sự trở thành Tháng toàn dân làm nhân đạo, UBND thành phố đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, triển khai việc tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Tháng Nhân đạo đến các tầng lớp nhân dân. Quan tâm hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất để Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức phát động, tôn vinh, khen thưởng; hỗ trợ, tham gia các đoàn thăm, tặng quà và triển khai các hoạt động thực hiện Tháng Nhân đạo với Hội Chữ thập đỏ nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.

Thành phố cũng đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ tổ chức các hoạt động để Tháng Nhân đạo thực sự là sự kiện nhân đạo, chăm lo cho người nghèo, các đối tượng dễ bị tổn thương ở địa phương.

Hội Chữ thập đỏ thành phố có kế hoạch triển khai các hoạt động Tháng Nhân đạo phải thật cụ thể, đặt ra mục tiêu bao quát nhất là nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân; các hoạt động tình nguyện, nhân đạo phải được tổ chức bài bản và hiệu quả, tránh làm tốn kém, lãng phí.

Qua đây, tôi cũng kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hưởng ứng tích cực Tháng Nhân đạo nhằm góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hương