Giá vé qua trạm thu phí Bắc Hải Vân tăng cao: Cả người dân lẫn doanh nghiệp kêu khó

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Mức thu phí mỗi phương tiện khi qua trạm thu phí Bắc Hải Vân sẽ thay đổi, qua đó mệnh giá sẽ tăng thêm tùy loại xe. Việc tăng giá lần này khiến người dân, doanh nghiệp đều “than trời”.

Từ ngày 1/5, Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư hầm đường bộ Hải Vân 2) sẽ thay đổi mức thu phí dịch vụ tại trạm thu phí Bắc Hải Vân (thị trấn Lăng Cô – huyện Phú Lộc – tỉnh Thừa Thiên Huế).

Theo đó, mức phí thay đổi như sau đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng: Vé lượt tăng lên 110.000 đồng, vé tháng tăng lên 3.300.000 đồng, vé quý tăng lên 8.910.000 đồng.

Với xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: Vé lượt tăng lên 160.000 đồng, vé tháng tăng lên 4.800.000 đồng, vé quý tăng lên 12.960.000 đồng.

Đối với xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: Vé lượt tăng lên 200.000 đồng, vé tháng tăng lên 6.000.000 đồng, vé quý tăng lên 16.200.000 đồng.

Xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet: Vé lượt tăng lên 210.000 đồng, vé tháng tăng lên 6.300.000 đồng và vé quý tăng lên 17.010.000 đồng.

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet: Vé lượt tăng lên 280.000 đồng, vé tháng tăng lên 8.400.000 đồng và vé quý tăng lên 22.680.000 đồng.

haivan
Từ ngày 1/5, trạm thu phí Bắc Hải Vân sẽ tăng mệnh giá thu phí đối với các phương tiện vận tải

Theo lý giải của chủ đầu tư về việc tăng giá vé quá trạm BOT, hiện hầm đường bộ Hải Vân 2 dài hơn 6,2km, sau khi hầm này hoàn thành đã tạo nên một công trình hầm hoàn chỉnh, tách biệt 2 chiều với hầm 1 trước đó.

Đến nay, công ty Đèo Cả đã hoàn thành các nghĩa vụ của hợp đồng với cơ quan nhà nước khi hoàn thành các hạng mục của dự án. Tháng 4/2021, Bộ GTVT có văn bản số 2230/BGTVT-ĐTCT về việc điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân. Công ty Đèo Cả cho rằng việc điều chỉnh giá vé tuân theo đúng lộ trình của hợp đồng dự án đã ký kết, giá vé tuân thủ theo Thông tư 60/2018/TT-BGTVT đối với công trình hầm đường bộ.

Chủ đầu tư của công trình trên đưa ra lựa chọn riêng cho các phương tiện, nếu không đi qua hầm thì có thể chọn phương án khác như đi đèo Hải Vân, hoặc di chuyển theo hướng cao tốc La Sơn – Túy Loan chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Sau khi công ty Đèo Cả chính thức thông báo điều chỉnh giá vé qua trạm thu phí Bắc Hải Vân, nhiều người đã không đồng ý với mức thu này vì cho rằng quá cao và không hợp lý.

Theo các tài xế chạy xe du lịch thì họ sẽ chọn việc đi đường đèo thay vì đi hầm mất phí, hoặc đợi cao tốc La Sơn – Túy Loan hoàn thành sẽ đi theo đường này để “né” trạm.

Theo ông Hồ Tăng Cường – Giám đốc HTX xe du lịch Thừa Thiên – Huế, đơn vị này hiện đang có 7 đầu xe đang chạy tuyến Huế - Đà Nẵng với hình thức xe bus liên tỉnh không được trợ giá.

Nếu như trước đây mỗi phương tiện chỉ phải trả 70 nghìn đồng/lượt khi quan trạm BOT Bắc Hải Vân thì giờ đây mỗi xe phải đóng 110 nghìn đồng, tăng thêm 40 nghìn.

Ông Cường cho hay, năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Đà Nẵng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, những đầu xe bus liên tỉnh hoàn toàn không hoạt động được. Sau khi có chủ trương về việc thành lập tuyến xe bus liên tỉnh Huế - Đà Nẵng các chủ phương tiện đã phải vay mượn ngân hàng, bán xe cũ để mua xe mới. Trung bình mỗi phương tiện chạy tuyến xe bus nói trên có giá từ 700 đến 900 triệu đồng, áp lực ngân hàng là rất lớn. Chính vì vậy việc giá vé tăng như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhà xe, trong khi cước vận tải lại không thể điều chỉnh được.

“Theo chúng tôi nếu tăng thì chỉ nên tăng từ 10 đến 20 nghìn và phải có lộ trình chứ không thể tăng nhanh như vậy, hoặc giữ nguyên giá vé như hiện tại”, ông Cường nêu quan điểm.

Đình Duy