GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12%

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020

Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội. Theo đó, tăng trưởng GDP quý III ước tính đạt 2,62%, con số này cao hơn quý II (0,39%) nhưng vẫn thấp hơn quý I (3,68%). Kết quả này giúp GDP 9 tháng tăng 2,12%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. 

gdp
Ảnh minh họa

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi. 

Với khu vực công nghiệp, những lĩnh vực trọng tâm đều tăng thấp nhất giai đoạn 10 năm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 4,6%, còn ngành khai khoáng giảm 5,35% do sản lượng khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm.

Khu vực dịch vụ cũng tăng thấp nhất nhiều năm do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch, tuy nhiên vẫn có những lĩnh vực duy trì tăng trưởng dương. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng gần 5%, hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 6,68%. Ngược lại, ngành vận tải, kho bãi giảm 4%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm hơn 17%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,73%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,06% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,21%; 33,97%; 42,75%; 10,07%).

Về tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp, số đơn vị thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng vẫn tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%; 36,5 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2020 ước tính đạt 902,5 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 747,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,1%; thu từ dầu thô 26,3 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 128 nghìn tỷ đồng, bằng 61,6%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2020 ước tính đạt 1.036,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 716,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,8%; chi đầu tư phát triển 235,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50%; chi trả nợ lãi 78,4 nghìn tỷ đồng, bằng 66,3%.

CPI bình quân 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Theo cơ quan thống kê, lý do chỉ số tiêu dùng tăng trong quý III là việc điều chỉnh tăng học phí trong tháng 9; sản lượng, doanh thu điện sinh hoạt tăng trong tháng 8 và giá gạo đi lên do nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, CPI 9 tháng tăng chủ yếu do giá mặt hàng thực phẩm tăng tới 14,31%, riêng giá thịt lợn tăng hơn 70% so với cùng kỳ.

P.V