Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã lập Nhóm khảo sát, đánh giá tình trạng sử dụng và nhận thức của người dân về Biểu tượng Chữ thập đỏ tại 03 tỉnh/thành phố: Đắk Lắk, Phú Yên, Đà Nẵng.
Mục tiêu của cuộc khảo sát nhằm đánh giá thực trạng việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, nhận thức của người dân về mục đích sử dụng, việc lạm dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ trong hoạt động phi nhân đạo; Nâng cao nhận thức của người dân về mục đích ý nghĩa của việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ; Đề xuất giải pháp truyền thông về việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ tại các tỉnh, thành Hội.
Đối tượng khảo sát là tình nguyện viên Chữ thập đỏ; Nhân viên y tế tại các bệnh viện, trạm y tế; Nhân viên hiệu thuốc, cửa hàng mỹ phẩm; Người dân. Tổng số người tham gia khảo sát là: 600 người
Công cụ thu thập thông tin sử dụng bảng hỏi trực tiếp, gửi câu hỏi khảo sát qua email và tiến hành phỏng vấn sâu, tại 03 tỉnh/thành phố là: Đắk Lắk, Phú Yên và Đà Nẵng. Đây là địa bàn tập trung nhiều các cơ sở y tế, hiệu thuốc và cửa hàng mỹ phẩm.
Kết quả khảo sát đánh giá cho thấy:
Những trường hợp sử sụng sai Biểu tượng Chữ thập đỏ tại các tỉnh/thành phố Đắk Lắk, Phú Yên và Đà Nẵng.
- Trong ngành y tế: Tại các bệnh viện; trung tâm y tế; trạm y tế xã phường, xe cứu thương, cấp cứu, trang phục nhân viên y tế tại các bệnh viện; các hoạt động từ thiện liên quan đến ngành y tế.
- Trong dịch vụ, kinh doanh: phòng khám bệnh tư nhân; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; cửa hàng thuốc; công ty sản xuất thiết bị y tế; hóa mỹ phẩm; thiết bị vệ sinh; khăn giấy ướt; cao con hổ; cửa hàng chăm sóc sắc đẹp; các dịch vụ bảo hành và chăm sóc khách của máy tính, điện thoại; túi sơ cấp cứu trên xe ô tô; tủ thuốc gia đình…
- Các phương tiện thông tin đại chúng: Quảng cáo cho các hãng thuốc, hóa mỹ phẩm; đèn tín hiệu giao thông; biển báo giao thông có bệnh viện phía trước; chỉ dẫn bệnh viện trên đường; thông tin quảng cáo về phòng khám.
Biểu đồ tỷ lệ xuất hiện Biểu tượng Chữ thập đỏ cho thấy các cơ sở hoạt động của Chữ thập đỏ (85.3%), trang phục cán bộ Chữ thập đỏ (84.1%), xe cứu thương (66%), phương tiện truyền thông của Hội Chữ thập đỏ (73.5%), cơ sở y tế (60.5%).
Biểu tượng Chữ thập đỏ là của tổ chức nào?
Kết quả khảo sát cho thấy:
95.83% người tham gia khảo sát công nhận Biểu tượng Chữ thập đỏ là của Hội Chữ thập đỏ.
31.16% người tham gia khảo sát cho rằng Biểu tượng Chữ thập đỏ là của Y tế.
17.83% cho rằng Biểu tượng Chữ thập đỏ là Biểu tượng của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Mục đích sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ
Theo kết quả khảo sát, Biểu tượng Chữ thập đỏ sử dụng mục đích nhận diện là 60.3%, bảo vệ 30.3%, mục đích truyền thông là 32.5% và mục đích khác là 1%.
Quy định về sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ban hành các quy định về sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ. Kết quả khảo sát cho thấy 45.3% số người tham gia khảo sát cho rằng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có quy định sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ. Tuy nhiên 39.3% số người không biết có quy định.
Đối tượng được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ
Kết quả khảo sát cho thấy: 83.8% người tham gia khảo sát cho rằng đối tượng được sử dụng biểu tượng là Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia; 73.7% cho rằng các tổ chức nhân đạo, từ thiện, tình nguyện được chính phủ công nhận được sử dụng biểu tượng.
Tuy nhiên, cũng có đến 36.8% người tham gia khảo sát cho rằng cơ sở y tế/phương tiện vận chuyển, làm việc của ngành y tế được sử dụng biểu tượng.
Công cụ truyền thông việc sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ
Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã sử dụng nhiều công cụ truyền thông để truyền thông về Biểu tượng Chữ thập đỏ. Kết quả khảo sát cho thấy việc tổ chức tập huấn, truyền thông, hội thi về biểu tượng Chữ thập đỏ và tờ rơi giới thiệu về biểu tượng có số lượng người ủng hộ trong số những người tham gia khảo sát.
Đối tượng truyền thông
Hội viên, tình nguyện Chữ thập đỏ là những người thường xuyên tham gia hoạt động. Khảo sát cho thấy cần tập trung truyền thông cho chính Hội viên, tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hiểu về Biểu tượng Chữ thập đỏ.
79.7% người đề xuất truyền thông cho Hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ hiểu về cách sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ.
27% người đề xuất truyền thông cho Chính phủ, 50% đề xuất truyền thông cho người dân ở cộng đồng.
Giải pháp khắc phục tình trạng vi xâm phạm nhãn hiệu, bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện biểu tượng Chữ thập đỏ
Kết quả khảo sát đề xuất một số phương án như sau.
(i) Tuyên truyền, tập huấn, phát tờ rơi.
(ii) Kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm, cảnh báo hoặc phạt tiền cùng với đình chỉ hoạt động kinh doanh theo quy định;
(iii) Lên án, tố cáo, xử phạt những trường hợp sử dụng biểu tượng sai mục đích, vi phạm bản quyền (đưa vào chế tài).
(iv) Có quy định về phạm vi và đối tượng, cơ quan được phép sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ.