Tháng trước, chị Lê Thị Nguyệt (38 tuổi, quê Nghệ An, đang sinh sống tại TP.HCM) ra sân bay thành phố Vinh để vào Nam sau nửa tháng về quê lo giỗ 100 ngày cho anh trai Lê Văn Hùng (41 tuổi).
Từ ngày anh Hùng mất, cuộc sống gia đình chị Nguyệt đảo lộn nhiều, mọi thành viên trong nhà đều chưa thể chấp nhận việc mất anh mãi mãi. Mẹ anh hàng ngày vẫn ôm di ảnh và gọi tên con.
Những ngày ở quê, chị Nguyệt cũng thực hiện tâm nguyện của anh trai, sửa sang lại nhà cửa cho bố mẹ già.
Anh Hùng là con cả trong gia đình ba anh em. Từ khi còn nhỏ, anh ý thức việc phải cùng bố mẹ có trách nhiệm lo cho các em.
Gần 20 năm ra ngoài bươn chải, đều đặn hàng tháng anh vẫn gửi tiền về cho bố mẹ sinh hoạt, không ngừng quan tâm hỏi han các em dù tất cả đều đã có hạnh phúc riêng, chỉ anh vẫn “chăn đơn gối chiếc” ở tuổi ngoài 40.
Từ năm 2020, anh Hùng vào Bình Phước làm quản lý cho một công trình xây dựng. Một ngày cuối tháng 7/2023, trên đường đi làm về, anh không may bị tai nạn giao thông và phải chuyển xuống TP.HCM điều trị.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo người bệnh chết não, không còn cơ hội cứu sống. Nghe tin Nguyệt ngã quỵ bên hành lang bệnh viện.
“Tối hôm trước xảy ra sự việc, anh Hùng gọi điện và trò chuyện với tôi rất nhiều. Anh hứa 10 ngày nữa sẽ đưa bạn gái xuống ra mắt gia đình tôi ở TP.HCM. Anh cũng kể đang dành tiền cuối năm sửa sang nhà cửa cho bố mẹ. Thật không ngờ đó lại là cuộc nói chuyện cuối cùng của hai anh em”, chị Nguyệt khóc nghẹn nhớ lại ngày nhận tin dữ.
0h sáng 30/7, chiếc xe cứu thương chở anh Hùng từ TP.HCM về quê để người thân gặp lần cuối. Trên đường đi, trong thoáng chốc chị Nguyệt nhận ra cả đời anh trai sống đều dành những gì tốt đẹp cho mọi người, khi mất đi chắc chắn anh sẽ muốn đem lại điều ý nghĩa cho cuộc sống.
Khi mọi người ở quê nhà đang lo hậu sự cho anh thì chị Nguyệt gọi điện về nói ý định hiến tạng cứu người của anh Hùng. Khi nghe giải thích “sau khi hiến, tạng của anh sẽ được sống trong thân thể người khác”, gia đình chị đồng ý ngay lập tức.
Chị Nguyệt cũng gọi ngay vào số của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và được hỗ trợ tận tình trên suốt quãng đường đi. Thay vì chạy thẳng về Nghệ An như kế hoạch ban đầu, chiếc xe cứu thương chở anh Hùng ghé vào Bệnh viện Đa khoa Bình Định để tiêm thuốc hỗ trợ.
Ban đầu, gia đình muốn đưa anh Hùng về Bệnh viện đa khoa Nghệ An trước khi trái tim anh ngừng đập, người thân xung quanh vẫn còn có cơ hội gặp anh lần cuối. Nhưng hành trình hơn 1.000km bằng ô tô không thể đảm bảo được sức khoẻ của mô, tạng nên gia đình và ê kíp bác sĩ có mặt trên chuyến xe quyết định ghé vào Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) để thực hiện việc lấy tạng cứu người.
Hoàn thành thủ tục, các bác sĩ bắt đầu ca phẫu thuật lấy tạng. Gan của anh Hùng được tức tốc đưa ra Hà Nội để ghép cho một bệnh nhân bị suy gan. Hai quả thận được các bác sĩ ghép ngay cho hai bệnh nhân bị suy thận nặng ở Huế.
Hai giác mạc cũng được ghép và đem lại ánh sáng cho bệnh nhân bị bệnh về mắt sau đó không lâu. Đến nay, sức khỏe của cả 5 bệnh nhân nhận tạng đều ổn định và đang phục hồi rất tốt.
Người đàn ông ở Hà Nội nhận gan dù chưa thể đi lại nhưng luôn nhắc vợ thường xuyên gọi điện về hỏi thăm bố mẹ anh Hùng. Người vợ còn về tận Nghệ An thắp hương cho người đã khuất và bày tỏ nguyện vọng cùng chồng quay về nhận bố mẹ anh Hùng làm cha mẹ nuôi.
Gia đình chị Nguyệt cảm thấy được an ủi rất nhiều khi biết tạng của anh trai tương thích và đang dần khoẻ mạnh trên cơ thể của những người xa lạ. “Nguyện vọng lớn nhất của gia đình là những người được ghép tạng của anh Hùng sớm hồi phục sức khỏe. Có như vậy việc làm của gia đình mới thực sự có ý nghĩa”, chị Nguyệt nói.