Đột quỵ ở người trẻ gia tăng đáng báo động

Lã Thị Thúy Hằng
Đột quỵ có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời. Đột quỵ cũng là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau bệnh lý tim mạch, ung thư. Vì vậy, nâng cao nhận thức của cộng đồng về đột quỵ để cấp cứu kịp thời người bệnh trong “giờ vàng”.

a10-1698645391.jpg

Tại Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ).

Tại chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về đột quỵ diễn ra ngày 29-10, TS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E cho biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau các bệnh lý tim mạch và ung thư. Bệnh có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi.

Ông Hựu nhấn mạnh, ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ).

Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, ma túy), đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như các bệnh lý khác.

Tại Bệnh viện E đã rất chú trọng đến công tác khám, điều trị và chăm sóc cho người bệnh đột quỵ. Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện E đã thành lập đơn nguyên Cấp cứu đột quỵ với cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt tiêu chuẩn, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong cấp cứu đột quỵ.

Đơn cử như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, khai thông mạch não bằng điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não cấp… cùng đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn, có kỹ năng cấp cứu người bệnh đột quỵ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện E, thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4-6 tiếng. Do đó, việc nhận biết sớm được các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng.

Các bác sĩ khuyến cáo, người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng (B-E-F-A-S-T) như:

(B) Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng.

(E) Mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn.

(F) Khuôn mặt bị mất cân đối, chảy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch.

(A) Cơ thể mệt mỏi, không sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người.

(S) Giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường.

(T) Khi bắt gặp những triệu chứng trên, hãy gọi ngay cho số cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

T.H