Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay Đồng Tháp ghi nhận hơn 4.100 trường hợp sốt xuất huyết, đã có 6 trường hợp tử vong. Đồng Tháp cũng là một trong 8 tỉnh, thành có số ca mắc sốt xuất huyết cao trong khu vực phía Nam.
Thực hiện chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết” trên địa bàn Đồng Tháp đã đạt được những kết quả khả quan. Trong đợt 2 của chiến dịch đã có hơn 114.000 dụng cụ chứa nước có lăng quăng đã được phát hiện và xử lý. Theo nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết của Đồng Tháp tăng cao, vượt xa đường cảnh báo dịch, nhưng đang có dấu hiệu chững lại, cho thấy các biện pháp phòng chống quyết liệt đi đúng hướng và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, số mắc vẫn còn ở mức rất cao, vì vậy cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết.
Đánh giá về kết quả thực hiện Chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết”, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua 2 đợt mở chiến dịch các địa phương trên địa bàn tập trung làm tốt và chuyển biến tích cực. Mặc dù số ca mắc giảm nhưng tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ số ca mắc tăng cao trong thời gian tới nếu không duy trì các biện pháp phòng, chống.
Trước tình hình đó, Đồng Tháp yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện thường xuyên, quyết liệt và đồng bộ công tác này để kéo giảm số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết; đồng thời yêu cầu TP. Cao Lãnh, huyện Tháp Mười và huyện Châu Thành tiếp tục thực hiện chiến dịch đợt 3. Các địa phương còn lại duy trì hoạt động diệt lăng quăng đồng loạt, thường xuyên nhằm chủ động ngăn chặn, phòng chống sốt xuất huyết bảo vệ sức khỏe cộng đồng, quyết tâm không để dịch chồng dịch trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức, chung tay phòng dịch.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Đồng Tháp cũng triển khai nhiều đợt diệt muỗi, lăng quăng để khống chế dịch bệnh, đây là cách thức chúng ta làm theo hình thức đồng loạt, làm bằng dân gian, làm bằng thủ công và mọi người dân đều làm. Mỗi ấp có 2 tổ hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đổ đậy, úp để bỏ, loại các vật dụng chứa nước có nguy cơ lăng quăng nở thành muỗi, gây bệnh".