Đồng Nai: Nhiều nhân viên y tế vẫn tiếp tục nghỉ việc

Lã Thị Thúy hằng
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, làn sóng bác sĩ nghỉ việc vẫn chưa dừng lại. Trong 6 tháng đầu năm đã có 231 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên y tế công lập nghỉ việc. Hiện vẫn còn một số nhân viên y tế đang xin nghỉ việc tại các bệnh viện công lập, đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Nhân viên y tế phải “gồng gánh” chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Dịch bệnh COVID-19 vừa tạm ổn thì dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng ập đến khiến các y, bác sĩ vô cùng vất vả. Hiện nay, các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa đang trực, làm việc với khối lượng, mức độ công việc như các bác sĩ ở khoa cấp cứu nhưng tiền trực chỉ được lãnh như các khoa lâm sàng thông thường.

a3-1658749326.jpg

Quá tải điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bệnh viện phải sắp xếp thêm giường bên ngoài hành lang để nhận thêm bệnh nhân sốt xuất huyết.

Theo lãnh đạo bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, mỗi ngày bệnh viện điều trị cho khoảng 200 ca sốt xuất huyết nặng, trong khi điều dưỡng nghỉ việc số lượng lớn khiến những người ở lại phải gồng gánh vô cùng vất vả.

Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã có hơn 30 điều dưỡng đã nghỉ việc, buộc những điều dưỡng ở lại phải trực đêm liên tục và không có thời gian để tái tạo sức lao động. Nhân viên y tế nào cũng phải “gồng gánh” để làm thêm việc vì bệnh nhân vào viện không thể không tiếp nhận.

Hiện nay cả 3 khoa điều trị sốt xuất huyết và tay chân miệng của bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đều quá tải. Nhân viên điều dưỡng phải đi tua 3, thậm chí phải đi tua 2, trong suốt 1 thời gian kéo dài khiến nhiều người mệt mỏi, kiệt sức vì công việc nhiều. Hiện tại 1 điều dưỡng phân theo dõi 5 ca sốt xuất huyết vì phải theo dõi hàng giờ, mỗi giờ phải đếm mạch, đo huyết áp, đo nhịp thở, tính lượng nước tiểu. Còn phải đo nhiệt độ 3 tiếng một lần, nếu bệnh nhân diễn tiến xấu còn phải làm thêm các xét nghiệm...

Tại khoa hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện nhi đồng Đồng Nai – là nơi điều trị các ca nặng của bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng - các điều dưỡng ở đây cũng đang phải chịu áp lực công việc khủng khiếp khi liên tục phải đi làm việc “tua 3” hoặc “tua 2” (nghỉ 3 ngày trực đêm 1 ngày hoặc nghỉ 2 ngày trực đêm 1 ngày) mới choàng gánh được công việc của những người đã nghỉ việc trong tình hình dịch sốt xuất huyết bùng mạnh.

Một tua trực làm việc của nhân viên điều dưỡng bắt đầu từ lúc vào trại đến lúc giao ca, chỉ tranh thủ được lúc đi ăn trưa, nhưng có hôm có ca cấp cứu thở máy, lọc máu thì gần như 2-3h chiều mới được ăn cơm trưa.

Ngành Y tế đang tham mưu HĐND, UBND ra nghị quyết ngăn chặn làn sóng bác sĩ nghỉ việc

Theo ông Lê Anh Phong, Phó giám đốc phụ trách bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, mặc dù lãnh đạo bệnh viện đã kêu gọi nhân viên y tế đăng ký trực thêm và trả tiền trực như giá dịch vụ nhưng các y, bác sĩ cũng không còn sức để đăng ký.

Lãnh đạo bệnh viện nhi Đồng Nai cho biết: “Nhân lực tại bệnh viện đang rất căng thẳng, hiện nay căng nhất là thiếu điều dưỡng - đây là lực lượng chủ lực chăm sóc bệnh nhân, nhưng công việc điều dưỡng rất nhiều, áp lực khủng khiếp”.

Hiện nay để giảm tải cho các điều dưỡng, bác sĩ, Ban giám đốc đang tính toán giải pháp để bổ sung thêm ít nhất 12-15 điều dưỡng và 4-6 bác sĩ. Đây cũng là lực lượng dự phòng dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh hơn.

“Sức chịu đựng của bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đang ở ngưỡng rất “mong manh”, nếu dịch sốt xuất huyết còn kéo dài hoặc bùng phát thì họ sẽ không chịu nổi, dù đã rất cố gắng” - đại diện lãnh đạo bệnh viện nhi đồng Đồng Nai chia sẻ.

Trước làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc, Sở Y tế cho biết đang tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết về chính sách thu hút và hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2027, nhằm bổ sung nguồn nhân lực ngành Y tế, tăng thu nhập, thu hút, giữ chân cán bộ, nhân viên y tế, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân.

Thúy Hằng