Đồng Nai: Bác sĩ bỏ bệnh viện công sang tư nhân nhận lương cao gấp 2-3 lần

Lã Thị Thúy hằng
Hiện nay các bệnh viện công đang gặp nhiều khó khăn khi các loại dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang tiếp tục gia tăng thì nhiều bác sĩ, điều dưỡng đã chuyển sang bệnh viện tư nhân cũng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để nhận mức thu nhập cao ngất ngưởng, gấp hơn 2-3 lần bệnh viện công nhưng công việc nhàn hơn.

Làm bệnh viện công lương thấp còn phải gánh thêm việc

Theo một bác sĩ đã nghỉ việc tại một viện bệnh đa khoa khu vực, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, lương thấp và phải gánh thêm nhiều công việc của người khác là nguyên nhân chính dẫn tới nghỉ việc của nhiều nhân viên y tế. Hiện người này đang tiếp tục học nâng cao chuyên môn để tìm kiếm một công việc tại một cơ sở y tế tư nhân với mức thu nhập tốt hơn, công việc nhàn hơn.

Cụ thể, bác sĩ này chia sẻ thu nhập của anh ở bệnh viện công chỉ gồm tiền lương hàng tháng khoảng 5 triệu đồng, cộng với tiền trực đêm một tháng được thêm khoảng 1 triệu đồng và tiền xếp loại A, B, C cuối tháng được nhận thêm 200.000 đồng, tổng cộng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.

Một bác sĩ khác, công tác tại một bệnh viện công chuyên ngành hô hấp cũng đã chuyển sang bệnh viện tư nhân đặt tại TP.Biên Hoà, chia sẻ: “Ở môi trường mới tôi nhận được mức lương cao hơn nơi cũ, nhưng công việc ổn định hơn không phải làm các công việc “không tên” khác nhưng vẫn có thời gian cho phòng khám tư ở nhà”.

Một ThS.BS CKI từng có nhiều năm làm quản lý một bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chia sẻ, nguyên nhân của tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc chủ yếu vẫn là vấn đề thu nhập thấp.

Theo bác sĩ này phân tích, bác sĩ ra trường chỉ nhận được mức hệ số lương 2,34 nhân với mức lương cơ bản là 1.490.000 đồng thì chưa được 4 triệu đồng, cộng thêm với tiền trực, tiền ưu đãi ngành thì được khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra, không còn khoản nào khác. Trong khi đó, khi chuyển qua bệnh viện tư họ có thể nhận được mức lương cao ngất ngưởng gấp 2-3 lần ở bệnh viện công.

Theo BS.CKII Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, nhiều bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đã chuyển ra ngoài làm để hưởng mức thu nhập cao hơn.

“Đây là câu chuyện “muôn thủa”, khi bệnh viện công vừa đào tạo được một bác sĩ, học chuyên khoa xong là họ nghỉ việc ngay, còn các bệnh viện tư thì không đào tạo, chỉ trả lương cao là bác sĩ chuyển qua làm”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Còn theo TS.BS CKII Phạm Văn Dũng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất lý giải: Ở bệnh viện tư nhân không phải tham gia chống dịch cực khổ như Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khi các bác sĩ và nhân viên y tế phải tham gia hồi sức COVID-19, tham gia bệnh viện dã chiến và tham gia đi tăng cường các địa phương, nhưng lại chưa nhận được chế độ đãi ngộ thích đáng. Trong khi đó, ở các bệnh viện tư nhân, công việc nhàn hơn, là điều kiện thuận lợi để lôi kéo bác sĩ.

Trái ngược bác sĩ bệnh viện công giảm, bệnh viện tư tăng

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trái ngược với tình trạng bác sĩ, điều dưỡng của các cơ sở y tế công lập nghỉ việc thì trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ sở y tế tư nhân trong tỉnh lại tăng 91 bác sĩ, từ 1.177 người lên 1.268 người. Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân cũng tăng thêm 28 điều dưỡng, 7 nữ hộ sinh, 28 kỹ thuật viên và 10 nhân viên y tế khác.

a4-1657773793.jpg

Bác sĩ bệnh viện công phải tham gia công tác chống dịch COVID-19 cực khổ trong khi mức thu nhập thấp.

Điều đáng lưu ý là số bác sĩ, điều dưỡng tăng ở các cơ sở y tế tư nhân đa phần là từ các bệnh viện công lập chuyển sang.

Theo BS CKII Lê Quang Trung - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trên lĩnh vực dự phòng và điều trị. Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, ngành Y tế gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là thiếu hụt nhân lực, nhất là ở hệ thống y tế cơ sở. Do nhân lực thiếu nên không đáp ứng đủ khi triển khai khám chữa bệnh và phòng, chống dịch.

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế tỉnh đã có 231 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên nghỉ việc. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp, áp lực công việc cao… Trong khi đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19 vẫn cao.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, nhiều bệnh viện công trong tỉnh, trong đó điển hình là Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Trong khi các loại dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang tiếp tục gia tăng khiến công tác điều hành, khám chữa bệnh tại bệnh viện gặp nhiều khó khăn.

Thúy Hằng