Triệu chứng thiếu máu
Theo các chuyên gia y tế, có thể căn cứ vào một số dấu hiệu sau để nhận biết cơ thể bị thiếu máu và tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm.
- Xanh xao, da niêm nhợt, tim đập nhanh, mệt mỏi, kém hoạt động, phụ nữ có lượng kinh nguyệt ít hơn bình thường.
- Trẻ em có biểu hiện quấy khóc, biếng ăn.
- Một số triệu chứng khác như: Không lên cân hoặc sụt cân, mất gai lưỡi, môi khô, móng mềm, nhăn, biến dạng…
- Khi bị thiếu máu nặng và kéo dài, hiện tượng thiếu oxy trong máu có thể làm tổn thương tim, não và các cơ quan khác của cơ thể. Thiếu máu sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động cần tiêu hao năng lượng.
Chế độ dinh dưỡng phòng và điều trị thiếu máu
Ăn đủ chất
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa thiếu máu là xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Cụ thể là ăn đa dạng và đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm, bao gồm chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng.
Bổ sung thực phẩm giàu sắt
Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, chứa nhiều sắt như: thịt lợn nạc, gan, trứng, tiết; các loại rau như dền, ngót, muống; các loại đậu.
Tăng cường thực phẩm giúp hấp thu sắt
Tăng cường rau xanh và các loại quả tươi giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi, táo, đu đủ, chuối...) để giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
Bổ sung sắt cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao
Phụ nữ mang thai: Bổ sung viên sắt và acid folic là biện pháp phòng ngừa thiếu máu hữu hiệu nhất cần thực hiện ngay khi có thai và đều đặn trong suốt thời gian mang thai cho tới sau khi sinh một tháng.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ: Cần uống viên sắt theo phác đồ dự phòng với liều 1 viên/ tuần trong thời gian 16 tuần.
Trẻ sinh non, trẻ sinh đa thai, trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ thiếu sữa mẹ: lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng có bổ sung chất sắt, theo dõi đánh giá tình trạng thiếu máu.