Điều trị bệnh viêm dạ dày ruột cấp thế nào?

Lã Thị Thúy Hằng
Đa số các trường hợp viêm dạ dày ruột cấp tính là do nhiễm trùng. Một vài trường hợp bị viêm dạ dày ruột cấp tính do uống/nuốt phải một loại chất độc hoá học... Viêm dạ dày ruột cấp tính nếu không được xử trí kịp thời có thể khiến người bệnh bị phù não, hôn mê…

1. Viêm dạ dày ruột cấp là gì?

Viêm dạ dày ruột cấp là tình trạng lớp lót phía trong dạ dày và ruột non, đại tràng bị viêm. Đa số các trường hợp viêm dạ dày ruột cấp tính là do nhiễm trùng. Một vài trường hợp bị viêm dạ dày ruột cấp tính do uống/nuốt phải một loại chất độc hoá học...

Bệnh có thể lây truyền cho người khác qua thực phẩm, nước hoặc lây lan trực tiếp từ người sang người. Bệnh không quá nguy hiểm với người lớn, nhưng cần thận trọng với trẻ nhỏ, người già hoặc những người có bệnh lý nặng kèm theo...

Bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cấp thường có các triệu chứng: Tiêu chảy, phân lỏng, có thể kèm theo đờm máu; chuột rút, đau bụng; buồn nôn, nôn, đau đầu, choáng váng, mệt mỏi, có thể sốt nhẹ.

a5-1658331169.jpg

Viêm dạ dày ruột cấp tính nếu không được xử trí kịp thời có thể khiến người bệnh bị phù não, hôn mê…

2. Điều trị bệnh viêm dạ dày ruột cấp thế nào?

Điều trị không dùng thuốc

Bệnh nhân mắc viêm dạ dày ruột cấp cần thực hiện:

- Bổ sung nhiều nước: Với trẻ sơ sinh cần cho trẻ bú mẹ nhiều hơn hoặc sữa công thức.

- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu: Súp, cháo, khoai tây, sữa chua, thịt nạc, cá, rau nấu chín, trái cây tươi...

- Nên nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức hoặc căng thẳng.

Điều trị dùng thuốc

Bù nước và điện giải: Điều trị viêm dạ dày ruột cấp tính bắt đầu từ các biện pháp khắc phục tại nhà giúp giữ cho người bệnh tránh mất nước. Người bệnh cần uống nhiều nước hơn bình thường (nước lọc, nước trái cây và súp...) để tránh mất nước và thay thế chất lỏng bị mất do nôn mửa và tiêu chảy. Có thể sử dụng oresol để bù nước. Cần lưu ý, pha và sử dụng oresol đúng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

Đối với những bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn nghiêm trọng, hoặc không thể dung nạp bù nước bằng đường uống, cần bổ sung nước muối sinh lý thông thường hoặc Ringer’s lactate truyền tĩnh mạch.

Thuốc chống nôn: Với bệnh nhân bị nôn nhiều, có thể dùng thuốc chống nôn để giảm triệu chứng. Có thể dùng các loại thuốc như: Bismuth subsalicylate, thuốc phối hợp natri citrate/dextrose/fructose hoặc carbohydrat bổ sung phosphor. Lưu ý, với trẻ mắc bệnh viêm dạ dày ruột cần có sự thăm khám của bác sĩ trước khi muốn dùng thuốc chống nôn cho trẻ.

Thuốc cầm tiêu chảy: Có thể dùng smecta, loperamid... nhưng còn tùy thuộc nguyên nhân gây ra tiêu chảy.

Men vi sinh: Lợi ích và hiệu quả của men vi sinh đường uống trong viêm dạ dày ruột cấp tính do virus chưa được xác định rõ, cần được nghiên cứu thêm để thiết lập loại, liều lượng và chế độ liều dùng.

Kẽm: Ảnh hưởng của việc bổ sung kẽm đối với thời gian mắc tiêu chảy ở người lớn chưa được nghiên cứu và việc sử dụng nó không phải là tiêu chuẩn chăm sóc. WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến nghị bổ sung kẽm cho trẻ em bị tiêu chảy trong viêm dạ dày ruột cấp, vì tiêu chảy có thể gây thiếu kẽm dẫn đến thời gian lâu hơn và mức độ của các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Thuốc hạ sốt: Có thể dùng thuốc hạ sốt nếu có sốt trên 38,5 độ C. Nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol. Liều dùng từ 10 – 15 mg/kg/lần, cách 4 – 6 giờ/lần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thuốc kháng sinh: Kháng sinh không có hiệu quả gì trong điều trị tiêu chảy do virus. Chỉ sử dụng kháng sinh khi nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nếu điều trị ban đầu bằng các biện pháp hỗ trợ không cải thiện sau 7 ngày. Nếu các triệu chứng xấu đi thì nên đánh giá lại điều trị và có thể điều trị các nguyên nhân khác gây viêm dạ dày ruột. Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc kháng virus: Việc sử dụng thuốc kháng virus không có tác dụng với bệnh nhân viêm dạ dày-ruột do virus. Những người khỏe mạnh, bệnh tự hết trong vòng một vài ngày.

3. Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm dạ dày ruột

Để sử dụng thuốc an toàn hiệu quả, cần lưu ý:

- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ.

- Không tự ý ngừng thuốc, tăng hoặc giảm liều thuốc.

- Cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời khi bệnh nhân có bất kỳ một dấu hiệu sau:

+ Giảm thể tích/mất nước.

+ Buồn nôn, nôn khan.

+ Đi ngoài phân có máu hoặc chảy máu trực tràng.

+ Đau bụng dữ dội.

+ Triệu chứng kéo dài (hơn 1 tuần).

+ 65 tuổi trở lên hoặc có dấu hiệu giảm thể tích tuần hoàn.

+ Mắc các bệnh kèm (đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…).

+ Phụ nữ có thai.

LH